Đầu tháng 3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Chỉ thị yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Đồng thời rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm để có kế hoạch xử lý, khắc phục dứt điểm.
Nội dung Chỉ thị 14 cũng nêu rõ, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Chỉ thị đã ban hành được một năm, nhưng thực tế trên địa bàn phường Đại Mỗ vẫn còn hàng loạt nhà xưởng, bãi tập kết VLXD trái phép hoạt động mà không hề bị xử lý.
Cụ thể trên trục đường ĐT70 (đường Đại Mỗ), phố Ngọc Trục, phố Quang Tiến... rất nhiều xưởng gỗ, đá, bãi tập kết cát còn tồn tại. Tình trạng này đã khiến bộ mặt đô thị của phường nhếch nhác, ô nhiễm.
Một số người dân canh tác ven trục đường DT70 cho biết, những nhà xưởng 2 bên đường này đều là đất nông nghiệp, nhiều hộ cho thuê với mức 5 triệu đồng/360m2/tháng để dựng nhà xưởng kinh doanh đá, gỗ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên phố Ngọc Trục, phố Quang Tiến với rất nhiều nhà xưởng lụp xụp, tồi tàn, quây tôn tạm bợ nhưng bên trong máy móc vẫn hoạt động.
Sau nhiều ngày khảo sát PV đã ghi nhận một số nhà xưởng bên trong vẫn cơi nới, xây dựng thêm cùng biển cho thuê trưng bên ngoài. Các bãi tập kết VLXD ven đường đã gây bụi bặm, ô nhiễm cho nhiều khu vực dân cư.
Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Thi, Cán bộ công chức Địa chính phường Đại Mỗ cho biết, hiện trên địa bàn phường không có quy hoạch bãi tập kết VLXD và không cấp phép bất kỳ bãi tập kết VLXD nào.
“Tuần trước UB phường mời các hộ kinh doanh lên yêu cầu họ đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Các hộ kinh doanh có nộp thuế cho cơ quan thuế hay không phường cũng không nắm được” - bà Thi cho biết thêm.
Lý giải vì sao nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp dọc trục đường DT70 cũng như đất dự án tại phố Ngọc Trục nhưng nhiều năm qua chưa được xử lý dứt điểm bà Thi lý giải, chủ yếu là tồn tại cũ nên rất “khó xử lý”.
“Vì mới tiếp nhận hồ sơ từ 7/2021, lúc đó do giãn cách xã hội vì đại dịch Covid 19 nên hiện nay chúng tôi vẫn đang rà soát lại để có phương án xử lý theo kế hoạch của quận. Để xử lý dứt điểm các nhà xưởng xây trái phép này rất khó vì đang “vướng” vào Điều 22, Nghị định 43/2014 (Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai – PV), một số công trình trên đất nông nghiệp được tồn tại cho đến khi giải phóng mặt bằng. Thế nên việc rà soát đã dừng lại khi Nghị định này có hiệu lực” - bà Thi lý giải.
Khi hỏi về thực trạng nhà xưởng cơi nới thậm chí là xây dựng mới theo ghi nhận thì bà Thi khẳng định chắc nịch không có trường hợp nào phát sinh mới (!?). Để việc có hay không có nhà xưởng thuộc diện này còn tồn tại trên địa bàn, thiết nghĩ quận Nam Từ Liêm cũng như các cấp ngành cần phối kết hợp vào cuộc, kiểm tra để làm rõ.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phuong-dai-mo-nam-tu-liem-ha-noi-kho-xu-ly-nhung-nha-xuong-bai-tap-ket-vat-lieu-xay-dung-trai-phep-a571026.html