Tối 12/9, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tổ chức hội nghị động viên, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản (NTTS) bị ảnh hưởng do bão số 3.
Theo thống kê của địa phương, bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở, hộ gia đình NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn. Trong đó, tổng sản lượng thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn. Trong đó, hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn. Tổng thiệt hại ước tính đối với hàu là 1.353 tỷ đồng, cá 533 tỷ đồng, hải sản khác 395 tỷ đồng.
Các cơ sở, hộ NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đề xuất lãnh đạo UBND Huyện kiến nghị cấp thẩm quyền có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ để người dân có điều kiện tái sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, các ngân hàng khoanh nợ và tạo điều kiện vay vốn mới để tái sản xuất ở mức lãi suất thấp nhất cho người dân cũng như hoãn, giãn, giảm thu thuế đối với diện tích thuê mặt biển.
Các cơ sở, hộ NTTS ở huyện Vân Đồn phản ánh, hiện trên một số vùng biển xuất hiện tình trạng "hôi của". Một số người dù không phải tài sản của mình vẫn ra biển thu gom thủy sản hộ khác nuôi trồng. Họ kiến nghị chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, chính quyền địa phương thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn mà các hộ NTTS trên địa bàn. Những kiến nghị của người NTTS là xác đáng, phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Địa phương cam kết luôn đồng hành với các cơ sở, người NTTS để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, nhất là tạo điều kiện tối đa nhất giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng.
Đối với phản ánh về tình trạng "hôi của", UBND huyện Vân Đồn giao cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và sớm có biện pháp ngăn chặn.
Cũng trong tối 12/9, Thành ủy Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, gặp gỡ và làm việc với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn về mức độ thiệt hại và phương án khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Theo thống kê của địa phương, bão số 3 gây ra thiệt hại trong lĩnh vực công nghiệp khoảng 638 tỷ đồng; Các công trình điện, viễn thông khoảng trên 125 tỷ đồng; Lĩnh vực du lịch dịch vụ ước 420 tỷ đồng.
Để kịp thời ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh và đồng hành, chia sẻ với các doanh nghiệp, Tp.Hạ Long đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn. Trong đó, Chi cục Thuế Tp.Hạ Long hiện đang thực hiện rà soát, xử lý việc gia hạn nộp thuế; Miễn thuế, giảm thuế; Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào liên quan đến thiệt hại do gặp thiên tai.
Chi cục Thuế Tp.Hạ Long cũng đang tập trung hướng dẫn người nộp thuế bị thiệt hại do bão số 3 làm hồ sơ quy trình để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế.
Tp.Hạ Long cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh xử lý hoặc tham mưu để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp kịp thời tháo gỡ vốn vay ngân hàng cho các doanh nghiệp và tổ chức bị thiệt hại do bão số 3.
Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát đánh giá thiệt hại của các doanh nghiệp và người dân để phối hợp với các địa phương xác nhận thiệt hại của khách hàng trong trường hợp xử lý khoanh nợ, xoá nợ; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Xem xét miễn, giảm lãi vay; Tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.
Để giúp ngành Du lịch sớm phục hồi, ông Vũ Quyết Tiến - Bí thư Thành ủy Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, thông tin, địa phương sẽ tăng cường các lực lượng hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Qua đó, sẵn sàng các điều kiện để đón khách du lịch trở lại.