Ở nước ta hiện nay, hàng năm có rất nhiều cuộc thi người đẹp, người mẫu. Trách nhiệm của người đoạt giải sau cuộc thi là phải giữ gìn vẻ đẹp của danh hiệu, xây dựng hình ảnh đất nước, không được thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục dân tộc.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hoàng (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) cho biết, trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) có giải thích khái niệm thi người đẹp, người mẫu như sau: “Thi người đẹp là hoạt động văn hóa nhằm tuyển chọn người phụ nữ có đạo đức tốt, có hình thể cân đối, có khuôn mặt đẹp, hiểu biết về văn hóa, xã hội theo những tiêu chí nhất định để trao giải” (khoản 3 Điều 2).
Đối với các cuộc thi người mẫu, tiêu chí lựa chọn cũng có những điểm khác biệt: “Thi người mẫu là hoạt động văn hóa nhằm tuyển chọn người mẫu nam hoặc nữ có hình thể đẹp đáp ứng những tiêu chí của cuộc thi đề ra” (khoản 4 Điều 2).
Á quân 'Người mẫu thời trang Việt Nam 2018' Thư Dung vừa bị thu hồi danh hiệu do chụp ảnh phản cảm
Người đoạt danh hiệu người đẹp, người mẫu phải giữ gìn đạo đức, hình ảnh và danh hiệu phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và đúng quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 1 Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 79/2012/NĐ-CP).
Một khi người đoạt giải không làm tròn trách nhiệm của mình, có những hành vi phản cảm trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc thì hoàn toàn có cơ sở để ban tổ chức xem xét thu hồi danh hiệu.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đơn vị có trách nhiệm thu hồi danh hiệu, giải thưởng trong những cuộc thi người đẹp, người mẫu chính là đơn vị tổ chức cuộc thi. Các đơn vị này chỉ được thực hiện việc “thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho cá nhân đoạt giải cuộc thi người đẹp, người mẫu khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận” (khoản 2 Điều 1 Nghị định 15/2016/NĐ-CP).
Như vậy, đơn vị tổ chức cuộc thi không thể tự ý thu hồi danh hiệu mà chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Thế nhưng, quy định này còn rất chung chung, chỉ dừng lại ở đó mà chưa hướng dẫn cụ thể cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đâu để chấp thuận hay không chấp thuận, trình tự thủ tục như thế nào, rất khó khăn cho các đơn vị tổ chức cuộc thi trong quá trình áp dụng, thực hiện.
Ngoài ra, đơn vị tổ chức cuộc thi còn buộc phải thu hồi danh hiệu trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp phép yêu cầu. Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng đối với hành vi “không thu hồi danh hiệu đã trao cho cá nhân đoạt giải cuộc thi người đẹp, người mẫu khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép yêu cầu”.
Thêm nữa, trong trường hợp cơ quan xử lý vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thu hồi danh hiệu khi người đẹp, người mẫu đoạt giải thưởng thực hiện các hành vi không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam sau khi đạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu (điểm c khoản 5; điểm c khoản 8 Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP) thì đơn vị tổ chức cuộc thi buộc phải thu hồi.
Như vậy, pháp luật vẫn chưa có những quy định cụ thể về các trường hợp đơn vị tổ chức được thu hồi hay cơ quan cấp phép có quyền yêu cầu đơn vị tổ chức thu hồi danh hiệu người đẹp, người mẫu, mà mới chỉ dừng lại ở các trường hợp bị buộc phải thu hồi theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.
Điều này dẫn đến rất nhiều trường hợp vi phạm xảy ra mà chưa có cơ sở pháp lý để thu hồi danh hiệu đã trao hoặc các đơn vị tổ chức thu hồi danh hiệu “oan”, một cách tùy tiện mà không có căn cứ pháp luật.
Chính vì vậy, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần phải nhanh chóng xây dựng quy định của pháp luật chặt chẽ hơn, dự liệu được các trường hợp có thể xảy ra để hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong thời gian tới.
Tổng hợp