Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 613.375 ca mắc COVID-19 đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 157/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.235 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 608.997 ca, trong đó có 371.804 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 12/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam.
+ Có 06 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (298.029), Bình Dương (157.018), Đồng Nai (34.816), Long An (28.159), Tiền Giang (12.205).
Gần 374.600 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 12/9 là 11.116 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 374.578
2. Số bệnh nhân tử vong:
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.279 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
3. Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 355.871 xét nghiệm cho 982.718 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 14.967.670 mẫu cho 43.448.641 lượt người.
4. Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19:
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm đến tối 12/9 là 28.213.392 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 23.157.067 liều, tiêm mũi 2 là 5.056.325 liều.
Hà Nội xây dựng phương án nới lỏng sau ngày 21/9
Chiều 12/9, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì giao ban trực tuyến với sở, ngành, quận, huyện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi giao ban, Phó giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết tới 14h ngày 12/9, Hà Nội ghi nhận 19 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca ngoài cộng đồng, 13 ca tại các điểm cách ly tập trung.
Nhấn mạnh công tác xét nghiệm và tiêm chủng là 2 nhiệm vụ trọng tâm đang được TP đẩy mạnh, Phó chủ tịch TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị chính quyền cơ sở vào cuộc, tăng cường xét nghiệm hiệu quả.
Đáng chú ý, lãnh đạo Hà Nội giao sở, ngành TP và các địa phương rà soát, nghiên cứu, xây dựng ngay các phương án sau ngày 21/9, trong trường hợp TP nới lỏng một số hoạt động, nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế. "Các ngành kinh tế, dịch vụ phải sẵn sàng phương án, kịch bản chi tiết từ bây giờ", Phó chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu.
Sở Y tế chuẩn bị ngay phương án tiêm, khi vaccine về phân bổ ngay cho các quận, huyện, hạn chế sự gián đoạn. Địa phương thuộc vùng 2, vùng 3 cần tiếp tục chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ.
TP HCM chưa áp dụng thẻ xanh Covid-19 sau ngày 15/9
Tại tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh do VTV1 tổ chức tối 12-9, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã thông tin về kế hoạch giãn cách xã hội của TP HCM sau ngày 15/9.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết tinh thần là đến cuối tháng 9, TP HCM vẫn giãn cách theo Chỉ thị 16. Một số địa phương vẫn duy trì Chỉ thị 16+ và một số nơi có tình hình tương đối ổn định như huyện Cần Giờ, Củ Chi có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+.
Theo ông, TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang nghiên cứu cơ chế cấp "Thẻ xanh Covid-19" hoặc "Thẻ vàng Covid-19" để tạo điều kiện cho một số đối tượng an toàn được mở rộng các hoạt động theo tinh thần "an toàn đến đâu mở rộng đến đó".
"Sau ngày 15-9, TP HCM chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo Thẻ xanh, Thẻ vàng Covid-19" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Phó Chủ tịch UBND TP thông tin thêm một trong những tiêu chí quan trọng để có "thẻ xanh Covid-19" là người dân đã tiêm 2 mũi vắc-xin được ít nhất 2 tuần. Sau 2 tuần kể từ thời điểm tiêm mũi 2, cơ thể mới bắt đầu phát sinh đủ kháng thể để bảo vệ.
Đến nay, TP HCM đã tiêm khoảng 7,8 triệu mũi vắc-xin, trong đó hơn 1,3 triệu người đã tiêm 2 mũi. Trong số này, nhiều người lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền. Đây là nhóm có nguy cơ cao, được thành phố khuyến cáo hạn chế ra đường, kể cả người đã tiêm 2 mũi vắc-xin.
Cao Bằng vẫn là "tỉnh xanh" duy nhất cả nước
Ngày12/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng thông tin về trường hợp ở tổ 8 phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, xét nghiệm test nhanh cho kết quả dương tính với virus SARS-COV-2.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng đã tiến hành lấy mẫu test nhanh để làm xét nghiệm PCR khẳng định. Đến 17 giờ cùng ngày, kết quả xét nghiệm PCR đối với trường hợp trên là âm tính với virus SARS-COV-2.
Đồng Nai: Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai
Ngày 12/9, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên.
Hiện tại, Đồng Nai đang thực hiện tiêm vaccine đợt thứ 8 nhằm tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng. Trong đợt này, Sở Y tế đã phân bổ 146.250 liều vaccine Pfizer và 161 ngàn liều vaccine AstraZeneca để tiêm cho nhiều đối tượng.
Riêng đối với vaccine Pfizer, ngoài tiêm mũi 1, mũi 2 cho người 65 tuổi trở lên thì sẽ sử dụng tiêm mũi 1 cho hơn 68.424 phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và cho con bú.
Theo quy định của Sở Y tế, tất cả phụ nữ mang thai tiêm vaccine đợt này đều được tiêm tại các cơ sở y tế có khoa sản.
Sở Y tế đã phân bổ vaccine cụ thể cho các cơ sở y tế được phân công nhiệm vụ tiêm chủng vaccine theo tuyến.
Do đó, các cơ sở tiêm chủng phải căn cứ vào số lượng vaccine và tình hình dịch tại địa phương để xây dựng kế hoạch chi tiết sử dụng vaccine; cần lưu ý bố trí sắp xếp thời gian tiêm, lượng người đến tiêm từng thời điểm, đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người, đảm bảo phòng chống dịch; hạn chế tối đa hao phí vaccine.