Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 624.547 ca mắc COVID-19, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.348 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 620.165 ca, trong đó có 383.004 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Lào Cai.
+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Quảng Ninh, Ninh Bình.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (303.475), Bình Dương (160.669), Đồng Nai (35.584), Long An (28.486), Tiền Giang (12.366).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 13/9 là11.200 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 385.778
2. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 279 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.660 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 240.234 xét nghiệm cho 771.109 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 15.207.904 mẫu cho 44.219.750 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 29.280.307 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 23.954.248 liều, tiêm mũi 2 là 5.326.059 liều
Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau ngày 15/9 và 21/9
Chiều 13/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Sau khi nghe Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo về kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt là chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng thần tốc trong những ngày vừa qua, Thường trực Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu, trong đó có gần 8.000 cán bộ y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ cho thành phố.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch và một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.
Thành phố đặt ra 3 mục tiêu cụ thể hàng đầu để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách là: Đến ngày 15/9, hoàn tất tầm soát xét nghiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vaccine được đảm bảo); thông qua đó, cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, thời gian qua công tác phòng chống Covid-19 của TP HCM đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, là việc giãn cách đã được thực hiện nghiêm, tỷ lệ "vùng đỏ" được thu hẹp, mở rộng "vùng xanh". Đến nay, theo thống kê có 53% tổ dân phố là "vùng xanh". Một số địa phương như: quận 7, Cần Giờ, Củ Chi đã đạt được kết quả tích cực, cơ bản kiểm soát được dịch. Phú Nhuận, Nhà Bè, quận 5, 11 đã đạt được những kết quả rõ rệt, dự kiến 15/9 công bố.
Công tác quản lý thu dung, điều trị của thành phố có những bước tiến đáng kể, phù hợp với diễn biến dịch phức tạp. F0 được tiếp cận thuốc, hỗ trợ y tế kịp thời. Một kết quả khác cũng rất tích cực là độ phủ vaccine của TP HCM khá cao, đã có 6,5 triệu người mũi 1, chiếm trên 90% dân số 18 tuổi trở lên; 1,3 triệu người tiêm mũi 2, đạt 19%.
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nói: “Có thể nói đến lúc này, các chuyên gia và chúng ta chưa thể hiểu hết biến chủng Delta. Cho nên với một sức ép kéo dài của giãn cách xã hội, chúng ta phải mở cửa để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, khi mở ra khả năng bùng phát là có thật và thực tế đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới”.
heo người đứng đầu chính quyền thành phố do những kết quả chống dịch của TP HCM thời gian qua dù chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt được các tiêu chí kiểm soát. Vì vậy, để thận trọng, bảo vệ được các kết quả đã đạt được, mỗi người cần phải chịu khó thêm một thời gian nữa để kết quả chống dịch được bền vững hơn để khi thành phố mở cửa có thể yên tâm.
Long An: Người tiêm 2 mũi vaccine được đi lại trong vùng giãn cách theo chỉ thị 15
Tối 13/9, UBND tỉnh Long An đã có văn bản tiếp tục thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 20/9.
Cũng theo văn bản này, đối với các xã, thị trấn còn lại của huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa và tất cả các địa bàn còn lại trên toàn tỉnh Long An thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15.
Thanh Hoá: Thêm 7 ca mắc, có 1 ca ở cộng đồng
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hoá, đến 18 giờ ngày 13/9/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19; trong đó có 1 bệnh nhân ghi nhận tại Thành phố Sầm Sơn là ca bệnh cộng đồng; 6 bệnh nhân còn lại đều được phát hiện trong khu phong tỏa và khu cách ly theo quy định.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hoá, tính từ 18 giờ ngày 12-9-2021 đến 18 giờ ngày 13-9-2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 7 ca mắc COVID-19; trong đó có 1 bệnh nhân ghi nhận tại Thành phố Sầm Sơn là ca bệnh cộng đồng; 6 bệnh nhân còn lại đều được phát hiện trong khu phong tỏa và khu cách ly theo quy định.
Tiêm liều hai thử nghiệm vaccine Covivac từ 15/9
Theo VnExpress, 375 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covivac giai đoạn hai sẽ tiếp tục tiêm liều hai bắt đầu từ ngày 15-20/9.
Chiều 13/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết các tình nguyện viên đã tiêm liều một an toàn. Một số phản ứng phụ thường gặp sau tiêm gồm sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp... Số ít buồn nôn song đã được chăm sóc y tế và hồi phục.
Covivac là vaccine Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, là vaccine thứ có một liệu trình gồm hai liều tiêm, cách nhau 28 ngày. Vaccine đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai trên 375 người tại ba xã gồm Minh Lãng, Việt Hùng và Bách Thuận của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, bắt đầu từ 11/8. Các tình nguyện viên chia làm 3 nhóm gồm 18-39 tuổi, từ 40 đến 59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên. Mỗi nhóm khoảng 125 người, tỷ lệ nam nữ tương đối cân bằng.