Sáng 19/9: Đà Nẵng tính toán 3 phương án chống dịch cho những ngày tới, TP.HCM đề xuất 2 điều kiện cấp thẻ xanh Covid-19

Thảo Huyền

Sau 70 ngày áp dụng quyết liệt các biện pháp, hôm nay, Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Lãnh đạo TP đang tính toán phương án chống dịch cho những ngày tới.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 677.023 ca mắc COVID-19, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.881 ca nhiễm).

unnamed-1632011182.jpg

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 672.592 ca, trong đó có 445.594 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 15/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.

+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.

+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (331.032), Bình Dương (175.963), Đồng Nai (39.020), Long An (30.079), Tiền Giang (12.957).

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 18/9 là 14.903 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 448.368

2. Số bệnh nhân tử vong:

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 250 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.857 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 232.641 xét nghiệm cho 560.173 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 16.410.946 mẫu cho 48.052.825 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19

Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 33.555.359 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.208.264 liều, tiêm mũi 2 là 6.347.095 liều.

TP.HCM chủ động tầm soát lây nhiễm trong giai đoạn bình thường mới

Khuyến cáo này được Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ngày 18/9.

Theo phân tích của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ 19/7 đến nay, thành phố thực hiện 3 giai đoạn xét nghiệm với các chiến lược khác nhau.

Trong giai đoạn bình thường mới, thành phố cần chủ động tầm soát lây nhiễm trong cộng đồng bằng cách khuyến khích người dân tự làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho bản thân và cho gia đình thường xuyên (tần suất khoảng 3 ngày/lần); đặc biệt đối với những người thường xuyên tiếp xúc với người ngoài.

Bên cạnh đó, thành phố cần tầm soát ngay những trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp bằng cách thực hiện test nhanh kháng nguyên mẫu đơn và tầm soát tại các địa điểm thường xuyên có tụ tập đông người như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, trường học, bệnh viện, bến xe, các điểm kiểm soát ra vào giữa các địa phương.../.

Ngày 18/9, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng ký văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 về việc áp dụng thẻ xanh Covid. Theo văn bản này, chiều cùng ngày, Sở Y tế cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã họp thống nhất quan điểm để tham mưu UBND TP.HCM về thí điểm áp dụng thẻ xanh Covid-19 trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Sở Y tế đề xuất 2 điều kiện để có thẻ xanh Covid-19:

1. Chỉ cần tiêm ít nhất một mũi vaccine (đối với loại vaccine phải tiêm 2 mũi) và đã tiêm ít nhất 2 tuần.

2. Đã mắc Covid-19 và có giấy công nhận hoàn thành thời gian cách ly do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn cấp.

Cơ quan chức năng lưu ý người có thẻ xanh Covid-19 phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm định kỳ theo quy định của Bộ Y tế. Tần suất tùy thuộc vào mức độ nguy cơ của lĩnh vực, ngành nghề.

Hà Nội: Chùm ca COVID-19 ở Long Biên chưa rõ nguồn lây, phức tạp, nguy hiểm

Liên quan đến bệnh nhân Â.T.K (74 tuổi, ở ngách 22/17 Kim Quan, tổ 4 phường Việt Hưng, quận Long Biên), cơ quan chức năng đến nay, đã phát hiện thêm 6 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính gồm con trai, con gái, con dâu và 3 cháu, chắt của bà K.

Cụ thể, hiều 18/9 Sở Y tế Hà Nội công bố ghi nhận thêm trường hợp N.T.Đ (nam, sinh năm 2020, địa chỉ tại tổ 6, Ngọc Thụy, Long Biên). Bệnh nhân là chắt của bà Â.T.K, tiếp xúc các bệnh nhân tại tổ 4, Việt Hưng, Long Biên từ 12-14/9. Ngày 18/9, bệnh nhân Đ. được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Đây là trường hợp thứ 6 có kết quả dương tính SARS-CoV-2 liên quan đến bà Â.T.K. Hiện, tất cả 7 trường hợp của chùm ca bệnh này đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang điều trị.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cơ quan chức năng đã khoanh vùng chùm ca bệnh ở tổ 4 phường Việt Hưng, quận Long Biên với 58 hộ, 205 nhân khẩu. Qua điều tra dịch tễ, đã thống kê có 53 F1. Hiện có 23 người đã lấy mẫu xét nghiệm, chưa có kết quả; 5 mẫu ở quận, huyện khác và 25 người chưa lấy mẫu.

Cơ quan chức năng nhận định, ổ dịch này chưa rõ nguồn lây, mức độ phức tạp, liên quan tới nhiều cơ quan, quận, huyện, khu dân cư, chợ. Xác định đây là tình huống nguy hiểm cần huy động tổng lực dập dịch, Đội số 8 CDC Hà Nội đề nghị xét nghiệm nhanh 2 ngày/lần để định hướng ban đầu. Cùng với đó, phong tỏa khu dân cư, chốt chặt 2 vòng, tránh chặt ngoài lỏng trong, đồng thời tiếp tục xác định nguồn lây.

Đà Nẵng tính toán 3 phương án chống dịch cho những ngày tới

Sau 70 ngày áp dụng quyết liệt các biện pháp, hôm nay, Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Lãnh đạo TP đang tính toán phương án chống dịch cho những ngày tới.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch chiều 18-9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Văn phòng UBND khẩn trương đề xuất biện pháp chống dịch cho giai đoạn tới theo 3 phương án.

Một là trên cơ sơ sở Quyết định 2985, tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động.

Hai là nếu qua một thời gian không có ca cộng đồng thì chuyển sang tạm dừng một số hoạt động như karaoke, massage, vũ trường…. Các hoạt động không cấm thì được phép hoạt động.

Phương án cuối cùng là sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ trắng để cho người dân đảm bảo các điều kiện tham gia các hoạt động cần thiết.