Sự thật đằng sau 'bảng vàng' thuốc và sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế: (Bài 2) 'Lập lờ đánh lận con đen'

Thảo Huyền

Hoạt huyết Nhất Nhất tưởng chừng không liên quan gì đến điều trị covid, hay viên nang cứng Kovir chỉ là một thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, thậm chí khi chưa được cấp phép lưu hành, vẫn được Cục Quản lý Y Dược đưa vào danh sách 12 vị thuốc và sản phẩm y học cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19. Đây là một cách đánh tráo khái niệm.

Lập lờ…

Theo tìm hiểu của Người đưa tin Pháp luật: Ngày 25-6-2021, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm số 5819 cho sản phẩm viên nang cứng Kovir của Cty CP Sao Thái Dương.

Có lẽ, trên thị trường sẽ không xảy ra tình trạng “cháy hàng” và đội giá của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Kovir nếu như không có những động thái mang tính định hướng của một số tổ chức, cá nhân vào sản phẩm này.

Sau khi Cục Quản lý Y Dược công bố 12 loại thuốc và sản phẩm y học cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có sản phẩm viên nang Kovir, và có ghi rõ ở phụ lục đính kèm là “phòng và điều trị” các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hoà miễn dịch trong các bệnh lý do virus, thì Cty CP Sao Thái Dương lập tức có động thái “trục lợi”.

Đồng loạt trên trang website chính thức cũng như trang mạng xã hội có “tick xanh chính chủ” của Sao Thái Dương đã diễn ra các hoạt động quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khoẻ của mình với những nội dung “thổi phồng” sự thật như: "Hỗ trợ phòng và điều trị sớm các bệnh do virus gây ra… dùng cho trường hợp F1, giúp giảm nguy cơ F1 thành F0. Liều đủ dùng là 15 ngày".

bai-2-sao-thai-duong00-03-08-11still011-1627507500.png

Trên website saothaiduong.com.vn đăng bán sản phẩm viên nang cứng Kovir với giá 1 triệu đồng/ hộp

Thậm chí, các văn bản của Bộ Y tế được Sao Thái Dương khai thác triệt để để truyền thông cho các sản phẩm của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Một tài liệu có chữ ký và con dấu thể hiện của Sao Thái Dương cho thấy, có cả một “Bộ sản phẩm chống dịch Covid-19” mang tên Sao Thái Dương, với đầy đủ các “set” phòng và điều trị bệnh nhân Covid-19 ở nhà hoặc ở bệnh viện.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp, thì những thông tin "thổi phồng sự thật” và “lập lờ đánh lận con đen”, đưa thực phẩm BVSK Kovir vào “hàng ngũ thuốc” hỗ trợ điều trị Covid-19 sẽ khiến người dân hiểu lầm và đổ xô đi mua, bất chấp việc Cty CP Sao Thái Dương bán ra với mức giá rất cao.

Dấu hiệu quảng cáo trái phép

Trao đổi với cả Cục An toàn thực phẩm (ATTP) và Cục Quản lý Y Dược, Người đưa tin pháp luật vẫn chưa được cung cấp bất cứ tài liệu gì thể hiện  Cty CP Sao Thái Dương được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với thực phẩm BVSK viên nang cứng Kovir.

Nhưng trên website của đơn vị này, cùng hàng loạt các trang mạng, ngang nhiên đăng tải các thông tin quảng cáo sản phẩm viên nang cứng Kovir với nội dung sai sự thật.

Sao Thái Dương còn quảng bá: “Sản phẩm được nghiên cứu tại Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, v.v…”

bai-2-sao-thai-duong00-03-06-03still010-1627507501.png

Sản phẩm viên nang cứng Kovir được quảng cáo với công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 trên các trang mạng xã hội

Theo xác minh, ngày 26/7/2021, các thông tin quảng cáo về viên nang cứng Kovir đã được gỡ bỏ khỏi website saothaiduong.com.vn của Cty CP Sao Thái Dương.

Những thông tin quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm có dấu hiệu vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật.

Khoản 15, Điều 6 Luật Dược, quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thì: Quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.00.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải chính thông tin.

Những quảng cáo thổi phồng công dụng của viên nang Kovir thực tế đã diễn ra từ lâu. Trước khi xảy ra “lùm xùm” này, Cục ATTP đã phát đi cảnh báo về những thông tin quảng cáo thực phẩm BVSK Kovir.

Cụ thể, trên cổng thông tin của Cục ATTP phát đi thông báo: “Trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng, hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid-19. Cục ATTP khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19”.

Cục ATTP đã có động thái ngăn chặn các hành vi có thể gây hại cho người dân liên quan đến sản phẩm Kovir, nhưng Cục Quản lý Y Dược lại “lập lờ” để “nâng tầm” cho sản phẩm này, thực sự là điều khó hiểu.

bai-2-sao-thai-duong00-04-57-21still012-1627507500.png

Năm 2020, Cục ATTP đã phát đi cảnh báo về những thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir

Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân cần cẩn trọng trước những thông tin quảng cáo các loại thuốc phòng chống dịch bệnh Covid-19, để không mua phải sản phẩm không có tác dụng phòng chống dịch khiến tiền mất tật mang.

Về phía cơ quan chức năng, cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống dịch, nghiêm túc, khẩn trương kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu làm trái quy định trong công tác phòng chống dịch, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào công cuộc phòng chống đại dịch.

Bài sau: Công văn “chỉ đạo” sử dụng 12 sản phẩm thuốc và sản phẩm y học cổ truyền có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi.