Tài xế trả 900.000 đồng tiền âm phủ cho khách Tây có bị xử lý hình sự?

Biên tập viên

Vụ việc tài xế taxi trả tiền âm phủ cho 2 vị khách nước ngoài đã làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Về mặt pháp luật, tài xế này có bị xử lý hình sự?

DIỄN BIẾN

Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, liên quan đến vụ việc khách Tây “tố” bị tài xế xích lô trả 900.000 đồng tiền âm phủ ở bờ hồ Hoàn Kiếm gây xôn xao dư luận mấy ngày vừa qua, ngay sau khi nắm bắt được sự việc trên, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra xác minh.

Qua đó kết quả điều tra cho thấy, hai du khách xuất hiện trong clip mang quốc tịch Tây Ban Nha, không phải mang quốc tịch Pháp.

Ngoài ra, đối tượng trả lại tiền âm phủ không phải là người lái xích lô mà mà tài xế taxi tên Trần Văn Phong (SN 1989, trú tại xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).

Kết quả điều tra cho thấy, khoảng 19h ngày 16/7, sau khi rời một nhà hàng trên phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, hai vị khách ngoại quốc thuê Trần Văn Phong chở về khách sạn nằm trên địa bàn phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, TP.Hà Nội). Khi về đến khách sạn, nam du khách đưa cho Phong 500.000 đồng, trong khi đồng hồ tính tiền cho thấy quãng đường đi của anh cùng bạn gái hết 37.000 đồng.

Do không có tiền trả lại và nghĩ rằng hai du khách nước ngoài không rõ tiền Việt, cộng thêm việc bất đồng ngôn ngữ, nên Phong nảy lòng tham.

Ngay sau đó, Phong đã lấy trong xe 3 tờ tiền âm phủ gồm 2 tờ 200.000 đồng và 1 tờ 500.000 đồng đưa cho du khách. Nghĩ rằng tài xế trả tiền thừa nên du khách cầm nhét ngay vào túi.

Hành vi của tài xế này sẽ làm xấu hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, hiếu khách.

Đến sáng ngày hôm sau, cặp đôi du khách thuê một chiếc taxi khác chở đến 21 Hàng Thùng để mua vé đi du lịch Sa Pa. Tới nơi, du khách này lấy tờ tiền được trả lại hôm trước đưa cho lái xe taxi thì mới biết đó chỉ là một tờ tiền âm phủ không có giá trị. Tuy nhiên, cả hai không đến cơ quan công an trình báo mà tiếp tục đi Sa Pa chơi, và quay lại Hà Nội vào chiều 19/7. Sau đó cả hai phát tán thông tin lên mạng xã hội.

Tại cơ quan công an, lái xe Trần Văn Phong cũng khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Công an quận Hoàn Kiếm đã bàn giao vụ việc cho Công an quận Long Biên tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Luật sư Vũ Quang Bá (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc chặt chém lừa đảo đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế sẽ làm xấu đi hình ảnh du lịch thân thiện mến khách mà Việt Nam đã xây dựng được. Vì thế hành vi này của tài xế taxi cần phải lên án mạnh mẽ và phải xử lý nghiêm.

Theo luật sư Bá, hành vi của lái xe taxi có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do số tiền lừa đảo dưới 2 triệu đồng, chưa đủ cấu thành tội này nên chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ–CP với mức xử phạt 1-2 triệu đồng.

HOÀ GIẢI VIÊN

Trước những hành động xấu, chúng ta cần “dám nhìn thẳng, nhìn thật” để có biện pháp điều chỉnh, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh của người Việt Nam, của dân tộc, đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Vì là hệ quả tất yếu của quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, không chỉ khi ở trong nước, mà cả khi ở nước ngoài, mỗi lời nói, việc làm của người Việt Nam luôn gắn với dân tộc, đất nước.

“Bao giờ du lịch Việt Nam mới đuổi kịp du lịch Thái Lan?”. Đó là một câu hỏi được đặt ra tại một hội thảo về du lịch của nước ta.

Rõ ràng tiềm năng du lịch của Việt Nam không hề thua kém nước bạn, tuy nhiên dịch vụ và thái độ với du khách giữa ta và Thái Lan vẫn là một khoảng cách khá xa. Cách đây ba năm, chúng tôi đến Thái Lan du lịch, sau khi ở chợ đêm, chúng tôi vẫy một taxi trở về khách sạn. Đi chừng một đoạn, người bạn đi cùng qua Google Map phát hiện ra chiếc xe đang chọn một con đường dài hơn để trở về. Bất đồng giao tiếp, anh bạn tôi giơ chiếc điện thoại với bản đồ chỉ cho tài xế taxi. Đáp lại chỉ là một cái xua tay và lắc đầu. “Call police” - anh bạn tôi nhắc lại nhiều lần. Lập tức chiếc xe dừng lại, tài xế nhìn vào bản đồ xem rất kỹ rồi thay đổi lộ trình.

Đến khách sạn, tài xế taxi chỉ tay vào đồng hồ và chỉ xin nhận một nửa vì sai sót của mình. “Sorry Việt Nam” - anh ta nói. Về tới khách sạn, chúng tôi mới được giải thích nếu bị phản ứng đến cảnh sát du lịch xứ này thì tài xế sẽ bị xử phạt rất nặng.

Ở Việt Nam, như trong bài viết chúng tôi đã phản ánh về việc tráo tiền du khách của taxi dù ở TP.HCM, từ “police” được du khách nêu ra cũng tỏ ra bất lực. Ở Hà Nội, những hình ảnh xấu xí được tạo ra không hiếm. Đó có khi là một chiếc ghế đá ở công viên ven hồ, mỗi chiếc được đặt một quả dừa có cắm ống hút. Chỉ cần du khách đặt mông vào ngồi, lập tức chủ quán đến mời uống nước, nếu không uống nước họ sẽ bị thu tiền vì chiếc ghế đó được chủ quán coi là địa điểm bán hàng.

Ngay phố cổ Hà Nội, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những người phụ nữ quẩy trên vai những nia thúng với hoa quả, họ sẵn sàng quàng lên vai du khách nước ngoài rồi giục họ chụp ảnh. Dĩ nhiên đổi lại sự nhiệt tâm đó sẽ là số tiền mà họ phải trả. Trả bao nhiêu còn tùy vào người ra giá.

Ông tài xế xích lô đang bị vướng cáo buộc vì trả lại tiền âm phủ cho du khách. Điều này vẫn chưa được kết luận nhưng chính tài xế này cũng thừa nhận đã phát sinh lòng tham khi ra giá cho một hành trình ngắn với giá 600.000 đồng.

Lòng tham có thể có trong mỗi người. Chỉ khi lòng tham được khắc chế bằng sự trừng phạt thì môi trường mới có cơ hội trở nên đáng mến hơn.

Nguyên Mạnh