Tâm sự của người thợ làm đầu lân giữa đại dịch Covid-19

Thảo Huyền

Với người đàn ông làm đầu lân ở Hàng Mã chuyện năm nay bán được bao nhiêu, lời lãi thế nào chẳng quan trọng bằng việc tạo ra sản phẩm phục vụ Tết Trung thu.

Hy vọng dịch Covid-19 sớm qua đi, người làm nghề thủ công khởi sắc

Chúng tôi hẹn gặp ông Doãn Phú Hải (55 tuổi) - người con trai duy nhất kế nghiệp nghệ nhân Doãn Đại làm đầu lân, sư tử trên con phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Vừa gặp chúng tôi, ông Hải lắc đầu than: “Một năm kinh tế buồn! Mọi năm tầm này, cả con phố Hàng Mã nhộn nhịp hàng ra hàng vào. Vậy mà năm nay, im lìm, khách chả có mấy, toàn thợ ngồi buôn chuyện với nhau. Vì dịch Covid-19, số lượng sản xuất giảm đi trông thấy, mọi năm làm 10 năm nay may ra nhà nào liều lắm thì làm đến 5. Bởi giãn cách, phòng ngừa lây nhiễm, khuyến cáo đảm bảo an toàn, các lễ hội ngừng tổ chức, thế nên, dù có làm cũng không bán được. Những người thợ làm nghề truyền thống như chúng tôi chỉ mong dịch sớm qua đi để được trở lại làm ăn bình thường”.

Ông Doãn Phú Hải - người thợ làm đầu lân, sư tử trên phố Hàng Mã.

Vừa nói, ông Hải vừa nhìn lên chiếc đầu lân treo trên tường: “Mọi năm, chiếc đầu lân bằng khung, loại to này bán với giá từ 1.700.000 đồng, năm nay chỉ mong bán được 1.000.000 đồng”. 

Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh nhưng ông Hải chưa nghĩ đến chuyện tạm dừng làm, chờ cho dịch qua đi. Bởi theo ông, đây là nghề truyền thống và không thể thiếu những chiếc đầu lân, sư tử mỗi khi Tết Trung thu đến gần. Ông cứ túc tắc làm cầm chừng vì theo như ông chia sẻ: “Nghỉ không làm nhớ nghề không chịu được”. 

Đầu lân, sư tử bày bán phục vụ cho dịp Tết Trung thu.

Để làm ra một chiếc đầu lân, sư tử truyền thống, người thợ phải làm qua rất nhiều công đoạn vất vả, tốn nhiều công sức. “Nghề của chúng tôi chẳng khác nào người nông dân. Chúng tôi cũng phải phơi nắng phơi sương mới có được sản phẩm, cũng phải “trông trời trông đất, trông mây”, canh ông trời, nếu thấy có cơn mưa cái là cuống cuồng thu lại đầu lân, sư tử. Vì nếu dính mưa là hỏng hết”.

Theo ông Hải, đầu lân, sư tử có hai loại: Loại làm bằng giấy bồi và loại làm bằng khung. Với loại làm bằng giấy bồi phải mất ba ngày mới hoàn thành xong một sản phẩm. Trước tiên phải làm phôi. Phôi được làm bằng kỹ thuật bồi giấy. Khuôn xi-măng được đúc sẵn hình đầu lân, người thợ lót giấy báo lên rồi bắt đầu cắt giấy roki dán lên giấy báo. Lớp giấy roki dày sẽ định hình chiếc đầu lân. Người thợ tiếp tục phơi khô trước khi bồi thêm các lớp giấy khác. Sau khi đã làm xong công đoạn mộc, tiếp tục đến công đoạn trang trí. Người thợ sẽ vẽ sơn tạo hồn cho đầu lân, sư tử. Ở công đoạn này cũng mất khá nhiều thời gian, bởi sau mỗi lớp sơn người thợ phải chờ cho lớp sơn đó khô mới tiếp tục vẽ tiếp.

Người thợ thủ công trò chuyện với PV Người Đưa Tin Pháp luật.

Còn với loại có khung sẽ mất ít nhất một tuần để hoàn thành do quá trình đan khung sẽ lâu hơn so với bồi giấy. Sau khi tạo khung xong sẽ cắt dán giấy tạo phôi. Các bước tiếp theo được làm như loại giấy bồi.

Ông Hải bật mí: “Công đoạn trang trí rất quan trọng bởi đây là công đoạn quyết định vẻ đẹp của đầu lân, sư tử. Ngoài việc phối màu, dán bờm sao cho hài hòa, tinh xảo người thợ nào làm cho đôi mắt lân, sư tử thật có hồn sẽ chứng tỏ được tay nghề của mình”.

Được biết, trước đây ông Hải từng có thời gian làm trong quân đội nhưng sau đó lại theo nghề của cha ông. Ông Hải tâm sự: “Cuộc đời con người không ai đoán trước được điều gì. Vì một tai nạn bất ngờ xảy ra khiến tôi không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc trong quân đội. Nào ngờ, sau khi về nhà, tôi lại mê đắm với cái nghề làm đầu lân, sư tử của gia đình. Từ khi học nghề từ bố tôi - nghệ nhân Doãn Đại tính đến nay cũng hơn 30 năm theo nghề. Đúng là, nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”.

“Bình cũ rượu mới”

Sau khi được nghệ nhân Doãn Đại truyền dạy, ông Hải tự mày mò thay thế vật liệu truyền thống để phù hợp với thời hiện đại và cũng để tăng sản lượng trong sản xuất.

Những chiếc đầu lân, sư tử loại giấy bồi nhỏ.

“Ngày xưa, các cụ dùng nhựa cậy để bồi và giấy để bồi phải dùng loại giấy dó. Loại nhựa cậy tuy khai thác rất lâu nhưng lại rất bền và không bị mối mọt. Còn bây giờ, không còn dùng loại nhựa cũng như giấy này mà thay giấy bồi bằng vải kim sa. Bên cạnh đó, xưa dùng lông thỏ trang trí thì nay thay thế bằng lông cừu nhân tạo nhập từ Trung Quốc. Tuy vậy, dù đưa chất liệu mới vào nhưng vẫn là “bình cũ””, ông Hải vui vẻ chia sẻ.

Hào hứng kể về những thay đổi mà bản thân ông làm được để việc sản xuất của người thợ đỡ vất vả hơn nhưng ông lại thở dài nói rằng: “Tôi đam mê, gắn bó với nghề này mấy chục năm là vậy nhưng các con tôi không đứa nào yêu thích nghề này cả, cũng giống như nhà bán phở thì không thích ăn phở vậy. Nghề này khéo chỉ còn tồn tại ở đời tôi hoặc may ra rơi rớt tới đời sau có ai đó thực sự đam mê mới giữ được nghề này. Bởi nghề này không những phải chịu khó, chịu vất vả, chịu mưa nắng mà còn phải kiên trì và thực sự yêu thích, đam mê mới theo được”.

Là người đam mê làm đầu lân, sư tử, ông Doãn Hải luôn tự hào rằng mình đã góp phần đem lại niềm vui cho bao người bởi tiếng trống tùng rinh rinh và đoàn múa lân vui nhộn đã đi vào ký ức bao người mỗi dịp Trung thu về.

Ông Hải bật mí: “Làm nghề này đòi hỏi người thợ phải có óc sáng tạo cũng như phải nắm bắt được thị trường, thị hiếu của khác hàng. Thế nhưng, tôi nắm giữ một bí quyết khiến cho khách hàng “mê đắm” sản phẩm do tôi làm ra. Tôi luôn giữ lại khuôn làm đầu lân, sư tử của mọi năm rồi cất đi. Tầm 5 năm sau, tôi lại mang cái khuôn cũ đó ra làm. Vậy là trên thị trường năm đó không ai có sản phẩm giống của tôi”.