Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não (TBMMN) là một thuật ngữ tổng quát để mô tả các vấn đề liên quan đến mạch máu não, bao gồm:
- Bệnh nhồi máu não (do tắc mạch máu).
- Chảy máu não (do xuất huyết não).
TBMMN là tình trạng một phần của não bị hỏng đột ngột do mất máu nuôi dưỡng hoặc vỡ mạch máu não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não ngừng hoạt động và sau đó chết chỉ trong vài phút. Hậu quả của điều này là các vùng cơ thể được điều khiển bởi phần não đó ngừng hoạt động, dẫn đến yếu liệt, tê liệt, mất cảm giác ở nửa người, khả năng nói chuyện bị ảnh hưởng hoặc hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể được cứu sống, nhưng hậu quả nặng nề có thể bao gồm liệt nửa người, nói ngọng, méo miệng, đời sống thực vật, tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và mất khả năng làm việc, làm cho người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai biến mạch máu não.
Nguyên nhân gây nên TBMMN
Nguyên nhân chính của TBMMN thường liên quan đến xơ vữa động mạch và tăng huyết áp (người có huyết áp cao (trên 140/90 mmHg) có nguy cơ tai biến mạch máu não cao gấp 4 lần so với người có huyết áp bình thường).
Đôi khi, nguyên nhân có thể là do cục máu đông từ nơi khác gây tắc mạch máu não, nhưng điều này thường xảy ra ở những người có rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim nặng hoặc các vấn đề tim mạch khác.
Các biểu hiện của THA
Nhức đầu: Đau nhức phía sau gáy hay trước trán, thường vào buổi sáng, đôi khi kéo dài cả ngày; Chóng mặt: cảm giác đi đứng không vững và hơi nặng đầu; Mệt: cảm giác nặng ở ngực, hơi khó thở; Ù tai, mất ngủ, mắt mờ, miệng lệch, phát âm khó, yếu liệt tay chân vài giây đến vài phút, chảy máu cam tái phát nhiều lần… Khi người bệnh bị THA, hãy để người bệnh được nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn. Người bệnh không nên nói nhiều vì khi nói không chỉ thanh quản hoạt động mà các cơ quan khác cũng chịu ảnh hưởng làm HA càng tăng cao. Dùng máy đo HA để xác định mức độ tăng và có biện pháp xử lý phù hợp.
Nguy cơ đột quỵ do THA
Tăng huyết áp là nguyên nhân khiến các động mạch trên toàn cơ thể có thể bị vỡ hoặc dễ bị tắc nghẽn hơn. Các động mạch trong não bị tổn thương do tăng huyết áp làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Đó là lý do tại sao việc kiểm soát tăng huyết áp là rất quan trọng để giảm nguy cơ bị đột quỵ.
Khi một phần của não không còn nhận được máu và oxy cần thiết, tế bào não bắt đầu chết. Bộ não giúp con người kiểm soát chuyển động và suy nghĩ. Vì vậy khi đột quỵ xảy ra, nó có thể đe dọa khả năng suy nghĩ, di chuyển và hoạt động của cơ thể. Bên cạnh đó, đột quỵ có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ, trí nhớ và thị lực. Những cơn đột quỵ nặng thậm chí có thể gây tê liệt hoặc tử vong.
Khoảng 90% gánh nặng đột quỵ là do các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được, với khoảng 75% là do các yếu tố hành vi như hút thuốc lá, chế độ ăn uống kém và ít hoạt động thể chất. Kiểm soát được các yếu tố nguy cơ chuyển hóa và hành vi có thể ngăn chặn hơn 3/4 gánh nặng đột quỵ toàn cầu. Trong đó, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất, dựa trên dữ liệu từ 30 nghiên cứu và đã được báo cáo có khoảng 64% bệnh nhân tăng huyết áp bị đột quỵ. Do đó, việc kiểm soát huyết áp là cần thiết để giảm nguy cơ đột quỵ và dự phòng đột quỵ tái phát.
Người bị cao huyết áp cần làm gì để phòng ngừa tai biến mạch máu não?
- Kiểm soát chỉ số huyết áp: cần kiểm soát huyết áp nhằm đạt trị số huyết áp mục tiêu (dưới 140/90mmHg).
- Bệnh nhân tăng huyết áp phải dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hay giảm liều, tự ý bỏ thuốc, dẫn đến việc kiểm soát huyết áp khó khăn hơn, huyết áp tăng cao vọt đột ngột sẽ rất nguy hiểm.
- Nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng /lần.
- Hãy đến bác sĩ ngay khi có những biểu hiện sau: Nhức đầu, chóng mặt (cảm giác quay), có hiện tượng quên, rối loạn cảm xúc (buồn giận thất thường…), rối loạn tâm lý, hiện tượng ruồi bay (nhìn thấy những điểm đen).
- Thay đổi lối sống bao gồm: Cai thuốc lá, hạn chế rượu bia. Chế độ dinh dưỡng tăng cường bổ sung các viatamin và khoáng chất có trong rau quả,… hạn chế ăn quá nhiều chất béo và các thực phẩm giàu calo.
- Tăng hoạt động thể lực sẽ làm cải thiện tình trạng tim mạch và làm cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch và TBMMN như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp. Bệnh nhân có thể tập luyện khí công, tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, thể dục ngoài trời.
- Khi thời chuyển mùa, thời tiết lạnh… người bệnh, nhất là đối với người cao tuổi không nên đi tiểu ngoài trời lạnh vào ban đêm.
- Vừa lao động nặng hoặc đi giữa trời nắng về không nên tắm, tránh sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột cũng như không nên bật dậy ngay ra khỏi giường khi mới tỉnh giấc.
Hồ Nga (T/H)