Theo chân biệt đội "săn muỗi" ở Hà Tĩnh

Thảo Huyền

Chúng tôi là đoàn cán bộ, y bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC) trên đường “săn muỗi”. Sau hơn 1 giờ di chuyển, đoàn đến Hương Khê - một địa bàn trọng điểm về sốt rét. Trạm Y tế xã Phú Gia là nơi đầu tiên đoàn dừng chân trong chuyến đi này. Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh - Phó Giám đốc CDC Hà Tĩnh đã họp quán triệt các nội dung về mục đích, ý nghĩa, phương pháp bắt muỗi cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.

Khi đồng hồ điểm đến 20h, đoàn 7 người gồm các y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên CDC Hà Tĩnh, y tế huyện, xã Phú Gia chính thức rời trạm lên đường vào khu nhà làm việc của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê. Đây là điểm đầu tiên được chọn để tiến hành nhiệm vụ bắt muỗi trong đêm. Hẻo lánh, hoang vu, bốn bề là cây cối, nơi này rất thuận lợi cho các cán bộ Phòng Côn trùng, ký sinh trùng của CDC Hà Tĩnh tiến hành việc đặt bẫy bắt muỗi.

Tại đây, bẫy muỗi bằng đèn là phương pháp bắt muỗi đơn giản nhất trong đêm được đoàn triển khai. Anh Trần Doãn Hiền và chị Trần Thị Phương lấy ra một chiếc đèn cùng các phụ kiện đi kèm như dây điện, ổ cắm, lồng đèn để lắp ráp.

Sau khi lắp ráp hoàn chỉnh, anh Hiền chọn vị trí để treo đèn. Vị trí được chọn cách mặt đất khoảng 1,5m, cách khu chuồng gà và chuồng bò - nơi tăng gia sản xuất của các cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê khoảng chừng 30m.

Chiếc đèn bắt muỗi được bật lên, đồng thời những chiếc đèn ở xung quanh phải tắt hết nhằm thu hút muỗi từ các nơi bay tới và rơi vào lồng đèn bắt muỗi. Chiếc đèn này sẽ treo ở ngoài vườn từ tối cho đến khi đoàn hoàn thành nhiệm vụ.

Khác với các loại đèn bắt muỗi trên thị trường, chiếc đèn bắt muỗi của CDC Hà Tĩnh không chỉ bẫy muỗi mà còn giữ cho muỗi được sống để đưa về phòng thí nghiệm nghiên cứu, tìm hiểu.

Hoàn thành phần việc tại khu nhà làm việc của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê, đoàn lại tiếp tục di chuyển đến nhà một hộ dân cách đó chừng 300m. Hôm nay, ngôi nhà mà đoàn chọn là của gia đình bà Nguyễn Thị Loan. Ngôi nhà khá thấp, được bao bọc bởi ván gỗ và cây cối rậm rạp, lại có cả chuồng nuôi trâu bò nên rất lý tưởng để săn muỗi.

Công việc đòi hỏi kỳ công. Các cán bộ, y bác sỹ phải soi đèn từng bờ tường, bờ vách trong chuồng chăn nuôi gia súc.

Vừa soi đèn tìm muỗi, anh Hiền vừa kể với chúng tôi: “Bắt muỗi trong chuồng trâu, chuồng bò cũng ”phiêu“ lắm. Những hôm không may gặp phải con bò, con trâu hung dữ là phải vừa bắt muỗi vừa để ý chúng, nếu không là lãnh đủ”.

Mỗi khi bắt gặp một con muỗi, các y, bác sỹ sử dụng một cái kẹp nhỏ bắt sống con muỗi rồi nhốt chúng vào ống nghiệm.

Mỗi ống nghiệm chứa khoảng 3 - 5 con muỗi, ngăn cách giữa mỗi con là một miếng bông trắng. Thời gian để đoàn hoàn thành việc bắt muỗi ở trong nhà và chuồng gia súc tùy thuộc vào mật độ muỗi của từng khu vực. Nếu mật độ muỗi lớn thì việc bắt đầy mỗi ống nghiệm mất từ 5 - 7 phút, song có nhiều khu vực mất từ 15 - 20 phút.

Tiếp đó, “biệt đội mắt muỗi” chia thành 2 nhóm nhỏ, một nhóm ra phía sau vườn chuối và nhóm còn lại di chuyển ra bờ sông Tiêm cách đó chừng 500m để thực hiện phương pháp dùng người làm mồi nhử muỗi. Theo chia sẻ của các y, bác sỹ trong đoàn, đây là phương pháp hiệu quả nhưng lại khá mạo hiểm vì rất dễ lây truyền bệnh sốt rét do bị muỗi Anophen đốt.

Để làm mồi nhử, các cán bộ trong đoàn sẽ ngồi yên ở một góc với một phần chân, tay hoặc lưng, bụng để lộ ra ngoài chờ muỗi đốt. Chị Trần Thị Phương vừa bắt muỗi, vừa mở lòng chia sẻ cùng chúng tôi: “Là phụ nữ mà đêm hôm đến nơi hẻo lánh rồi phơi da cho muỗi đốt, tờ mờ sáng mới về đến nhà, vừa vất vả, vừa sợ ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình. May mắn cho tôi là chồng và gia đình chồng thấu hiểu, ủng hộ nên tôi có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ”.

Vui sướng vì vừa “chộp” được một chú muỗi đậu trên lưng của đồng nghiệp, bác sỹ Trần Doãn Hiền cho biết: “không phải cứ lúc nào làm mồi người là bắt được muỗi ngay đâu. Có nhiều khi phơi mình cả tiếng đồng hồ nơi bụi rậm, bờ suối, muỗi thì chưa thấy mà sợ nhất là rắn rết cắn cho miếng thì nguy”.

Khi hoàn thành phương pháp bắt muỗi bằng mồi... người cũng là lúc trời đã gần sang canh. Số muỗi bắt được trong đêm đã đủ số lượng và chủng loại, báo hiệu nhiệm vụ bắt muỗi đêm nay đã hoàn thành. Đây là chuyến bắt muỗi thứ 41 trong năm này của đoàn. Từ nay đến cuối năm, đoàn sẽ còn tiếp tục hành quân đến huyện Kỳ Anh và Hương Sơn để tiếp tục công việc của mình.

Số muỗi bắt được trong đêm, ngay sáng hôm sau được đưa đến phòng thí nghiệm tại CDC Hà Tĩnh để nghiên cứu. Phòng Côn trùng, ký sinh trùng là nơi tiếp nhận “chiến lợi phẩm” của những đêm bắt muỗi.

Các ống nghiệm đựng số muỗi bắt từ tối qua được bác sỹ Hiền tập trung quan sát qua kính lúp. Hiện nay, bệnh sốt rét đã được khống chế và đang tiến tới việc loại trừ. Tuy nhiên, công tác phòng chống sốt rét không được phép lơ là, chủ quan bởi nếu không phát hiện kịp thời thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.

Qua bề mắt kính lúp, muỗi được phóng to lên gấp nhiều lần để cán bộ chuyên môn quan sát rõ hơn về chủng loại.

Để phân tích sâu, chính xác hơn nữa định dạng muỗi, thành phần loại, mật độ, các cán bộ phòng thí nghiệm tiến hành quan sát kỹ dưới kính hiển vi.

Qua hệ thống máy móc hiện đại, muỗi được phân tích, định dạng một cách chính xác và ghi chép cẩn thận vào bảng biểu. Những số liệu này có ý nghĩa quan trọng để đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh sốt rét thời gian qua… Từ đó, đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.