91% bệnh nhân COVID-19 ở nước ta đã được chữa khỏi
Báo cáo tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 đến 8/10, cả nước đã ghi nhận khoảng 828.000 ca mắc COVID-19, 759.000 người đã khỏi bệnh (chiếm tỷ lệ 91%) và 20.300 ca tử vong;
Có 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).
"Tỷ lệ mắc bệnh trên 1 triệu dân xếp thứ 9/11 trong số các nước ASEAN, thứ 155/223 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Từ ngày 25/9- 8/10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 5 ca (giảm 10 ca so với tuần trước); TP HCM 15.070 ca (giảm 14.766); Bình Dương 400 ca (giảm 559); Đồng Nai 41 ca (giảm 19); Khánh Hòa 8 ca (giảm 57), Kiên Giang 13 ca (giảm 18).
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết số ca bệnh nặng, nguy kịch chiếm 8,7% số đang điều trị. So với trung bình 7 ngày trước, số ca nhập viện mới giảm 6,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 16,4%, số ca thở oxy mask giảm 15,8%, thở máy xâm lấn giảm 17,1%.
Tính đến nay, các Trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh phía Nam đã tiếp nhận 13.206 ca bệnh nặng và nguy kịch, trong đó số ca khỏi bệnh hoặc chuyển tầng thấp hơn để điều trị tiếp là 7.120 ca, chiếm 53,9%.
Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19
Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; còn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.Công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội
Trong số 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, đến nay TP HCM đang thực hiện nới lỏng giãn cách (theo Chỉ thị 18 của Thành phố); 10 tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách, thực hiện giãn cách theo phân vùng nguy cơ; có 8 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 15 toàn địa bàn; có 4 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 19 toàn địa bàn.
Đến nay, có 15.759 đơn vị, doanh nghiệp với 1.473.200 công nhân, lao động đang thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 địa điểm", hoặc kết hợp cả "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm".
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, tính đến 8/10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.