Khẳng định của WHO được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc trong những tháng gần đây liên tục phát hiện virus SARS-CoV-2 xuất hiện trên bao bì các sản phẩm đồ ăn đông lạnh nhập khẩu từ các nước Mỹ Latinh.
Tại cuộc họp báo diễn ra tại Geneva, ngày 13/8, ông Mike Ryan, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO cho rằng, mọi người không nên lo ngại về việc đóng gói, chế biến hay vận chuyển thực phẩm. “Không có bằng chứng cho thấy thực phẩm hoặc chuỗi thực phẩm tham gia vào việc phát tán virus này. Mọi người sẽ cảm thấy thoải mái và an toàn”, ông Ryan nói.
Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, Maria Van Kerkhove nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã thử nghiệm vài trăm nghìn mẫu bao bì và cho đến nay đã phát hiện được “rất ít, chưa đến 10 mẫu dương tính”. Chuyên gia WHO cho hay: “Chúng ta biết rằng virus có thể tồn tại trên bề mặt một thời gian, tuy nhiên nó sẽ bị tiêu diệt nếu bạn rửa tay hoặc sử dụng các dung dịch tẩy rửa có cồn. Nếu virus thực sự có trong thực phẩm thì virus cũng có thể bị tiêu diệt giống như các loại virus khác, bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín, và đến hiện nay chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus qua việc tiêu thụ thực phẩm”.
WHO bác giả thiết thực phẩm là nguồn lây nhiễm đại dịch Covid-19.
Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết trong một thông cáo, bộ này đang làm rõ những phát hiện của Trung Quốc. Trong khi đó, trả lời Reuters, Bộ trưởng Sản xuất Ecuador Ivan Ontaneda cho biết Ecuador vẫn duy trì các quy định nghiêm ngặt và không thể chịu trách nhiệm về những việc xảy ra với các lô hàng xuất khẩu sau khi chúng rời khỏi nước này.
Các chủng virus có thể tồn tại trong nhiệt độ -20 độ C tới hai năm. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đến nay không có bằng chứng rõ ràng cho thấy virus corona có thể lây lan qua thực phẩm đông lạnh. Bộ Nông nghiệp và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết trong tuyên bố chung: “Không có bằng chứng về việc con người có thể mắc Covid-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm”.
Cho rằng rủi ro lây nhiễm từ thực phẩm là rất thấp, ông Eyal Leshem, giám đốc Trung tâm Y học Du lịch và Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Sheba ở Israel, nhấn mạnh việc lây nhiễm do tiếp xúc với virus đông lạnh qua thực phẩm nhập khẩu vẫn chưa được xem là một con đường lây nhiễm chính và vẫn không phải là vấn đề ảnh hưởng đáng kể đến chính sách y tế công.
Trong khi đó, TS T. Jacob John, giáo sư về hưu chuyên về virus học lâm sàng tại Trường ĐH Y Christian (Ấn Độ), cho biết số lượng virus thoát ra từ miệng hoặc mũi của một người nhiễm lớn hơn nhiều so với một số virus còn sót lại trên thực phẩm đông lạnh và rủi ro lây qua thực phẩm đông lạnh rất thấp.