TP.HCM: 75% F0 tử vong là người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều

Thảo Huyền

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 19-21/11, thành phố có 151 trường hợp tử vong, trong đó có 18 ca mắc bệnh nền, 75% trường hợp chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều.

Chiều 22/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại thành phố.

Trước tình trạng số ca nhiễm, F0 nhập viện, tử vong có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo thống kê, từ ngày 19-21/11, TPHCM có 151 trường hợp tử vong, trong đó có 18 ca mắc bệnh nền, 75% trường hợp chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều.

Đối với một số trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn tử vong, bà Mai cho rằng, xét đến yếu tố cộng đồng, khi số F0 tăng cao, khoảng 15% - 20% ca nhiễm sẽ có diễn tiến nặng, chủ yếu tập trung ở người cao tuổi hoặc có bệnh nền, trong đó 5% có nguy cơ tử vong.

Sở Y tế khuyến cáo, để giảm số ca tử vong, chúng ta cần giảm số ca F0 nhập viện. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch, chú trọng 5K+vắc xin, không được lơ là dù đã tiêm đủ 2 mũi.

TP.HCM: 75% F0 tử vong là người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều - 1

Sở Y tế khuyến cáo người dân cần chú trọng 5K+vắc xin, không được lơ là dù đã tiêm đủ 2 mũi.

Liên quan đến kiến nghị của TP.HCM về rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 7 ngày với người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7, Chánh văn phòng Sở Y tế thông tin, đề xuất này dựa trên cơ sở hơn 81% trường hợp tiêm đủ liều vắc xin đều không có triệu chứng khi nhiễm COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính sau 7 ngày và những ngày tiếp theo. Việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ góp phần gia tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị F0, đặc biệt là giảm quá tải khu cách ly trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 của TPHCM còn cao.

Về túi thuốc B - kháng đông, kháng viêm, được áp dụng khi F0 có triệu chứng nhẹ hoặc chớm bắt đầu. Theo tập huấn đối với các lực lượng y tế địa phương, gói thuốc B và C được các trạm y tế địa phương quản lý chặt chẽ, không phát đại trà, rộng rãi. Tùy theo mức độ bệnh nặng, bác sĩ sẽ khám và quyết định cấp phát thuốc phù hợp. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ rà soát lại và ban hành hướng dẫn sử dụng túi thuốc cho F0 tại nhà.

Trước tình trạng F0 trên địa bàn gia tăng, Sở Y tế TPHCM đã có công văn gửi Bộ Y tế xin cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir. Sáng 22/11, Bộ Y tế đã cấp cho Sở Y tế TP trước 5.000 liều thuốc nêu trên để kịp hỗ trợ F0 trên địa bàn. Theo Chánh văn phòng Sở Y tế, hiện TP vẫn còn 2.000 liều Molnupiravir trong kho, một số cơ sở y tế tại địa phương vẫn còn dư số thuốc trên trong đơn vị. ). Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển thuốc theo nhu cầu của TPHCM.

Về tình trạng người dân tự xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng không thông báo cho ngành y tế vì cho rằng có thông báo thì cũng không được tiếp nhận và cấp thuốc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm lý giải, do một số trạm y tế phường, xã và trạm y tế lưu động không đủ nhân sự; đường dây nóng hoạt động chưa được thông suốt nên đã có tình trạng này xảy ra.

Sở Y tế đã chấn chỉnh kịp thời và hỗ trợ các địa phương tăng cường nhân lực cho các trạm y tế lưu động để tiếp cận F0 nhanh nhất có thể.

Theo ông Tâm, khi người dân tự xét nghiệm và phát hiện dương tính nên gọi điện đến trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động. Trong vòng 24 giờ, nhân viên y tế sẽ tiếp cận, kiểm tra xét nghiệm, sau đó đánh giá tình trạng bệnh cũng như điều kiện cách ly, điều trị đối với F0 và F1 để có sự hướng dẫn, chăm sóc phù hợp.

“Thực tế có một số người dân khi phát hiện dương tính không thông báo cho cơ sở y tế hoặc không được ghi nhận, không được cấp thuốc không những tạo nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng mà còn thiệt hại cho chính F0 và gia đình", ông Tâm chia sẻ.

Đại diện HCDC cũng cho biết, không phải tất cả F0 đều được cấp phát các túi thuốc, chỉ người có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thì được cấp túi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không được cấp thuốc thì F0 vẫn có quyền lợi khác nếu khai báo cho ngành y tế, ví dụ như người bệnh được chăm sóc và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm; F1 trong gia đình cũng được theo dõi, quản lý và bảo vệ, đặc biệt với gia đình có người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền...