Học sinh thi tốt nghiệp tại điểm thi Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội năm 2013. Ảnh tư liệu
Tăng cường trách nhiệm của địa phương
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, duy trì Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ thực hiện theo đúng Luật Giáo dục 2019 mà còn để đánh giá mặt bằng chung của giáo dục phổ thông toàn quốc; Từ đó điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp dạy học trong các trường phổ thông. Phương án dự kiến giao quyền tổ chức thi cho địa phương cũng phù hợp, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước đang chống dịch.
Năm 2020, dự kiến thí sinh thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Thí sinh giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Phương án này vừa đánh giá toàn diện học sinh, hạn chế việc học tủ, học lệch; Đồng thời cũng thuận lợi nếu trường đại học vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. “Tôi ủng hộ mục đích chính của kỳ thi là để xét tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong tuyển sinh. Các trường cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển” - ông Nguyễn Minh Luân nêu quan điểm.
Với điểm mới có thêm lực lượng thanh tra của tỉnh để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho rằng: Đây là phương án tốt để tăng cường trách nhiệm của các bên, đặc biệt trách nhiệm của địa phương trong quá trình tổ chức thi; Xử lý kịp thời hơn các tình huống xảy ra, bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh. “Với những quy định chặt chẽ và kinh nghiệm tổ chức của địa phương trong nhiều năm qua, tôi tin kỳ thi sẽ được tổ chức an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan” - ông Nguyễn Minh Luân cho hay.
Trên góc độ cơ sở giáo dục đại học, ông Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết hoàn toàn ủng hộ phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vì như vậy là trả lại đúng giá trị của Kỳ thi tốt nghiệp THPT; Tạo tiền đề tiến tới việc công nhận tốt nghiệp sau này theo hướng tinh giản. “Dự báo sẽ có 3 điểm ưu: Địa phương có trách nhiệm; Giảm tải gánh nặng thi cử; Các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn. Chính cách làm công khai, tỷ lệ phần trăm tốt nghiệp sẽ tiệm cận đúng thực tế” – ông Tôn Quang Cường nêu ý kiến.
Với các trường ĐH, nếu thực hiện tuyển sinh riêng, ông Tôn Quang Cường cho rằng việc ra đề cũng sẽ tính toán theo hướng tiếp cận, sàng lọc, lựa chọn phù hợp nhất với bối cảnh cụ thể hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường tuyển sinh theo cụm trường, sử dụng chung kết quả để xét tuyển cũng phù hợp với bối cảnh hiện nay. Với học sinh, cần cân nhắc thật kĩ việc chọn trường, đưa ra lựa chọn “hẹp” hơn thay vì đăng ký xét tuyển vào nhiều trường một lúc.
Mong sớm có phương án thi chính thức
Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh: Địa phương chủ động trong bố trí kinh phí, nhân sự để làm công tác coi thi và chấm thi.
“Mỗi năm, Bộ GD&ĐT đều có cải tiến một số khâu về kỹ thuật và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 chứng minh điều đó. Bởi vậy, giao địa phương tổ chức thi hoàn toàn hợp lý. Trong kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tăng cường thanh tra cắm chốt, ứng dụng công nghệ thông tin và một số quy trình về mặt kỹ thuật để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho hay.
Về chấm thi, hiện quy chế hướng dẫn đã phù hợp. Khu vực chấm thi trắc nghiệm được bố trí camera giám sát 24/24 giờ nên bảo đảm khách quan, minh bạch, không xảy ra tiêu cực. Quan trọng là phương án bố trí để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng: Bộ GD&ĐT nghiên cứu giao công tác chấm thi trắc nghiệm cho trường đại học tại địa phương nhằm hạn chế việc di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, bảo đảm an toàn trong tình hình phòng, chống dịch và tiết kiệm ngân sách.
Tuy nhiên, về phương án các bài thi, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh mong muốn, để được xét tốt nghiệp, thí sinh phải dự thi 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và được chọn 2 môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp (do thí sinh lựa chọn trước; ví dụ môn Vật lý, Hóa học trong tổ hợp bài thi Khoa học Tự nhiên; Lịch sử, Địa lý trong tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội hoặc Địa lý, Giáo dục công dân trong tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội).
Các môn thi thành phần còn lại trong bài thi tổ hợp được dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Điều này giúp giảm áp lực cho thí sinh đồng thời thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ nếu vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Bên cạnh đó, khi học sinh tự chọn môn thi cũng tạo cơ hội phát huy năng lực, sở trường của mình; Giúp các em tự định hướng nghề nghiệp đồng thời thực hiện tốt việc phân luồng sau THPT theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mong rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ sớm được công bố chính thức để địa phương, nhà trường, giáo viên và học sinh chủ động trong giảng dạy, định hướng ôn tập đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến và không thể chủ quan. - Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh