Trạm trộn bê tông không phép, hoạt động bất chấp quy định

Thảo Huyền

Chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép xây dựng, không có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), vi phạm nghiêm trọng hành lang đê điều nhưng suốt mấy năm qua một doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động. Tìm hiểu được biết, từ ngày 12/09/2017 đến nay, cơ quan chức năng đã lập 15 biên bản vi phạm cùng yêu cầu đơn vị thi công làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.

Chưa đủ thủ tục vẫn ngang nhiên hoạt động

Tận mục sở thị khu vực đặt trạm bê tông này, chúng tôi không khỏi bất ngờ cả về quy mô, vị trí cũng như mức độ vị phạm. Cụ thể, theo quan sát, trạm trộn bê tông nằm trọn phía bên ngoài đê, thuộc khu đất bãi sông.Theo thông tin phản ánh, Trạm trộn bên tông công suất lớn nằm tại Nam Định đang hoạt động có dấu hiệu bất chấp các quy định của pháp luật, xâm hại đến hành lang thoát lũ, bảo vệ đê điều và tự ý xây dựng bến bãi, cầu cảng cùng các bãi tập kết vật liệu.

Đoạn đê này vốn là tuyến đường duy nhất để các xe bồn chở bê tông và các xe tải chở cát, vật liệu xây dựng ra vào, cày xới mặt đường. Chính vì thế, đoạn đường đê này đã nhanh chóng xuống cấp trầm trọng. Theo một người chạy xe bồn lâu năm cho biết, một xe chở bê tông từ có trọng tải từ 10 – 12m3 nhưng lúc nào cũng phải chở đến 20 tấn.

Tìm hiểu được biết, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Tổ hợp trạm trộn này hình thành với một quy mô khép kín từ kinh doanh, nhà điều hành kiên cố, bãi tập kết cát, sỏi, cần cẩu khung thép và cả việc đổ bê tông lấn sông để tạo thành bến bốc dỡ hàng hóa. Tuy nhiên theo quan sát, trạm trộn này không có khu vực xử lý nước thải bê tông cho nên các chất phụ gia và nước thải ở đây đều không được xử lý và không biết được xả đi đâu.

Mặc dù rất nhiều tài liệu được đại diện phía doanh nghiệp cung cấp thế nhưng lại không thấy sự xuất hiện của giấy phép chấp thuận xây dựng trạm trộn và xây dựng nhà điều hành kiên cố của các cơ quan chức năng. Để thông tin được khách quan, liên hệ qua điện thoại, giám đốc doanh nghiệp này đã hẹn PV đến trụ sở công ty và sẽ cho người đại diện làm việc. 

Trong hợp đồng giao khoán đất đầm bãi ven sông doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng chỉ thể hiện việc bên A  cho bên B nhận khoán diện tích đất đầm bãi ven sông để bốc xếp, kinh doanh vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng công trình cầu qua sông với tổng diện tích là 11.310.m2. Thời gian hợp đồng giao khoán là 05 năm, thời gian thực hiện từ ngày 07/03/2017 đến ngày 28/02/2022, mức giao khoán ổn định trong 02 năm đầu là 2.500đ/m2.

Từng bị xử phạt đến 15 lần

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 29/06/2018 nêu rõ, khi xây dựng các hạng mục xây dựng liên quan đến đê điều phải được UBND tỉnh cấp phép xây dựng theo quy định của Điều 26 Luật Đê điều. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa có quyết định cấp phép được ban ngành nào phê duyệt. Tìm hiểu được biết, ngay từ ngày 12/09/2017 đến nay, cơ quan chức năng, trong đó có Chi Cục thủy lợi đã lập 15 biên bản vi phạm cùng yêu cầu đơn vị thi công làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu này, đơn vị thi công vẫn tiếp tục triển khai xây dựng một loạt các hạng mục liên quan đến đê điều như: San lấp mặt bằng, lắp đặt trạm trộn bê tông với mặt bằng dài 130m dọc theo đê, xây dựng nhà cấp IV làm nhà điều hành trên bãi sông, xây dựng nhà lợp tôn làm nhà ở tạm của công nhân trên bãi sông, sử dụng mặt đê làm đường vận chuyển và đổ bê tông làm bến bốc dỡ…

Trước việc bất tuân các quy định này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh giao UBND huyện phạt vi phạm hành chính các hạng mục đã xây dựng theo quy định tại Nghị Định 104/2017/NĐ-CP. Cho phép các công trình đã xây dựng tạm thời tại mục 1 (trạm trộn số 01 và khu nhà ở tạm của cán bộ công nhân viên – trạm trộn số 02 và khu nhà ở tạm của cán bộ công nhân viên) tồn tại trong thời gian thi công cầu, hết thời gian thi công cầu phải tháo dỡ toàn bộ các hạng mục công trình trên để thông thoáng dòng chảy. Cho phép thực hiện các hạng mục: 3, 4, 5 thuộc thẩm quyền cho phép của UBND tỉnh, ngoài ra nhà thầu không được phép xây dựng thêm bất kỳ công trình nào khác.

Thực tế cầu đã được thông xe và đưa vào khai thác từ giữa năm 2020 nhưng đến nay phía doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện những yêu cầu theo quy định của pháp luật. Các hạng mục như cầu cảng, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông vẫn tiếp tục hoạt động, xe bồn chở bê tông vẫn lưu thông trên đường đê…

Vi phạm đã được chỉ rõ nhưng tại sao lại không được xử lý? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ các cơ quan ban ngành của UBND tỉnh Nam Định cần một lần nữa vào cuộc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Điều 7, Luật Đê điều 2006 về Các hành vi bị nghiêm cấm, ghi rõ:

“1. Phá hoại đê điều…5. Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. 6. Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa. 7. Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão…10. Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.

Điều 23. Phạm vi bảo vệ đê điều, ghi rõ:

“1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê. 2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau:

a)     Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển….”