Trăn trở làng nghề thổi thủy tinh

Thảo Huyền

Bằng các công cụ thô sơ và kỹ thuật điêu luyện, người dân ở xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Nội) từ đời này qua đời khác đã làm ra những sản phẩm gia dụng từ nghề thổi thủy tinh.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, xã Thống Nhất xưa là một trong những địa chỉ sản xuất thủy tinh nổi tiếng khắp miền Bắc. Vào những năm 1960, đây là nghề chính của người dân trong xã. Nơi đây lúc nào cũng đỏ lửa thổi thủy tinh; cảnh mua bán tấp nập diễn ra sôi động, nhộn nhịp không kể bất cứ mùa nào trong năm. Sản phẩm thủy tinh của Thống Nhất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi kiểu dáng đa dạng, phong phú, chất lượng tốt mà giá lại rẻ. Nhiều thời điểm, hàng sản xuất ra cung không đủ cầu, thương lái phải đặt hàng rất lâu mới có. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của bà con trong xã ngày càng được nâng cao, “thủy tinh Thống Nhất” trở thành thương hiệu chất lượng, uy tín.

ghe lang nghe thoi thuy tinh
 

Quy trình làm nghề thổi thủy tinh trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn nguyên liệu, các mảnh thủy tinh phải đảm bảo không bám bẩn và được phân loại theo màu xanh, trắng khác nhau. Sau đó, các mảnh thủy tinh vụn hoặc cũ hỏng được tái chế lại bằng cách cho vào lò và nung trong tình trạng nóng chảy. Thủy tinh có thể gia công theo nhiều cách như thổi, ép, kéo, cuốn… nhưng phương pháp gia công phổ biến đã được áp dụng trong hàng mấy trăm năm nay vẫn là “thổi”.

Trước tiên phải “quện” thủy tinh nóng chảy vào đầu một cái ống bằng sắt dài rồi kê miệng vào đầu kia của ống và thổi. Bằng cách này, thủy tinh ở đầu kia phình ra. Trong lúc thổi, người thợ phải tạo hình và làm cho sản phẩm có độ dày thích hợp. Người làm nghề cho biết, trong các bước tạo hình thủy tinh, kỹ thuật thổi là quan trọng nhất. Người thợ phải điều tiết hơi thở sao cho nhịp nhàng, phù hợp với từng loại sản phẩm. Vì vậy, ngoài sức khỏe, những người thợ lành nghề còn phải có thủ thuật giữ hơi thở để thổi vừa vặn với hình mong muốn.

Đặt hàng thổi thủy tinh theo yêu cầu

Là người cao tuổi nhất còn làm nghề thổi thủy tinh tại làng Giáp Long (xã Thống Nhất), ông Hồ Văn Gừng chia sẻ: “Bằng mắt thường, người thợ phải ước lượng được độ chín của thủy tinh để bắt đầu thổi. Lúc này thao tác phải nhanh và liên tục, không được ngơi nghỉ dù chỉ một giây, bởi thủy tinh ra khỏi lửa rất nhanh nguội, nếu dừng lại sẽ bị méo mó ngay tức thì.” Cũng theo ông, ngoài sự kiên trì, người thổi cần có sự cẩn thận khi thường xuyên phải tiếp xúc với lửa trên 1.200 độ C, không những thế còn cần có sự tỉ mỉ, sáng tạo để chỉ cần khéo điều chỉnh hơi thở một chút, đôi tay nhịp nhàng để tạo lên những đường nét thẳng, cong theo mẫu.

Mỗi xưởng sản xuất thủy tinh đều có những bí quyết riêng trong công đoạn ủ sản phấm. Thời gian ủ và nhiệt độ thích hợp với từng sản phẩm sẽ quyết định độ sáng cũng như độ bền của sản phẩm. Thành phẩm sau khi ra lò đạt yêu cầu khi có độ trắng trong suốt, đường nét sắc sảo, tinh tế. Với những mẫu mã yêu cầu nhiều về số lượng, thành phẩm phải đạt tỷ lệ chính xác, đều “trăm cái như một”.

 

Nguoi dan Thong Nhat giu “lua” nghe thoi thuy tinh truyen thong noi do thanh hinh anh 2

Quy trình làm các sản phẩm từ thủy tinh gồm nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ. Ảnh: Diễm Quỳnh

Sản phẩm thủy tinh thổi đầu tiên và phổ biến nhất là ống tiêm Philatop, sau đó là các sản phẩm khác như bóng đèn dầu, nắp phích, ly uống nước, các loại con giống. Ban đầu, khi chưa có nguồn nguyên liệu, điện và mô tơ, người thợ sáng tạo và tận dụng các nguyên liệu và công cụ nghề khác sang nghề thổi thủy tinh.

Các bóng đèn huỳnh quang đã qua sử dụng được tận dụng, rửa sạch lớp vôi bên trong rồi nấu chảy để thổi. Bễ lò rèn được chuyển dùng làm bễ thổi thủy tinh, bễ có chân đạp khí ở dưới, bên trên sử dụng 6 sợi bấc cuộn lại với nhau, bơm dầu hỏa liên tục để đốt cháy ngọn lửa lên đến nghìn độ. Người thợ dùng hai mảng bê tông khép ngọn lửa lại thành một khe, bễ đạp gió càng mạnh thì ngọn lửa càng lớn, được sử dụng nhiệt cho các loại thủy tinh khác nhau như thủy tinh kiềm, thủy tinh trung tính, thủy tinh chịu nhiệt cao. Thủy tinh khi mới cho vào lửa có màu xanh, đốt đến độ sẽ chuyển sang màu trắng.

Nguoi dan Thong Nhat giu “lua” nghe thoi thuy tinh truyen thong noi do thanh hinh anh 7

Sản phẩm thủy tinh chủ yếu của làng nghề hiện nay là ống nghiệm, bóng đèn, chai lọ. Ảnh: Diễm Quỳnh

Trong quá trình thổi, người thợ phải tập trung quan sát lúc thủy tinh chín và thổi, xoay tay để tạo hình, ngoài ra còn cần kỹ thuật vặn, kéo, hàn. Độ thổi mạnh yếu khác nhau sẽ cho ra sản phẩm khác nhau cũng như độ dày của thủy tinh. Sau khi thổi xong, để tránh thủy tinh bị co hoặc vỡ đột ngột khi đựng nước sôi (đối với ly), cần phải đem đi ủ gio vài giờ. Sau đó, các sản phẩm đều được bọc giấy báo, đóng thùng lót rơm cẩn thận để sản phẩm không bị gãy, vỡ.

Ngoài các sản phẩm gia dụng, người thợ Thống Nhất còn thổi tạo hình các con vật như hươu, ba ba, cá, cây thông, 12 con giáp, chuông gió... hết sức tinh xảo. Vào thời điểm nghề phát triển, các con vật còn được đổ nước màu bên trong, được thị trường ưa chuộng.

Hiện nay, các thôn Giáp Long, Hoàng Xá, Thượng Giáp của xã Thống Nhất vẫn còn giữ được nghề. Tuy nhiên, mỗi làng chỉ còn vài hộ làm theo lối công nghiệp. Vào những năm 1980 - 1990, thổi thủy tinh là nghề quan trọng của xã, ghi dấu ấn với Hợp tác xã Thủy tinh Thống Nhất nức tiếng gần xa.

Bình Vy (t/h)