Triệu chứng và cách phòng những bệnh trẻ hay mắc mùa hè

Ngọc Anh

Mùa hè năm nay dự báo nắng nóng đỉnh điểm, diễn tiến phức tạp. Hiện tượng El Nino xuất hiện được coi là thời điểm thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển, nhất là trẻ em. Do trẻ có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên có nguy cơ cao mắc một số bệnh vào đầu mùa hè. Để có thêm thông tin giúp các bậc phụ huynh nhận biết, phòng tránh bệnh cho trẻ Phóng viên Tạp chí Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với TS. BS Đỗ Thiện Hải – Trưởng Khoa nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Nhi Trung ương xung quanh vấn đề này.

x-1686276146.png
TS.BS Đỗ Thiện Hải – Trưởng Khoa nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viênh Nhi Trung ương

 

Phóng viên: Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết vào mùa hè trẻ thường mắc những loại bệnh gì?

- TS.BS Đỗ Thiện Hải: Đầu mùa hè là thời điểm thời tiết chuyển giao mùa nên nhiệt độ thay đổi thường xuyên. Mưa rào xuất hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh các bệnh phát triển và bùng phát mạnh mẽ. Các bệnh đầu mùa hè trẻ thường mắc phải là bệnh tay – chân - miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản.

 Phóng viên: Các triệu chứng và cách nhận biết khi trẻ mắc các loại bệnh trên là gì?

 - TS.BS Đỗ Thiện Hải: Bệnh tay – chân – miệng thường bùng phát vào dịp hè, bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác và có thể phát triển thành dịch. Người lớn có thể nhận biết khi trẻ mắc các triệu chứng như trẻ bắt đầu sốt, giảm cảm giác ngon miệng, đau họng, và mệt mỏi. Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông trẻ. Bệnh nếu không can thiệp kịp thời có thể sẽ diễn tiến rất nhanh và gây tử vong chỉ trong 24h.

Đối với bệnh sốt xuất huyết đây là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn Aedes Aegypti mang vi-rút Dengue gây ra. Các con muỗi cái mang mầm bệnh, sau khi đốt người sẽ khiến người nhiễm virus bắt đầu phát bệnh với biểu hiện sốt cao liên tục, dưới da xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ sau 4 – 6 ngày.

Các triệu chứng có thể thấy, các bệnh nhân sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh, đặc biệt là trẻ em, cần được theo dõi sát để phát hiện các triệu chứng tiền sốc do mất máu. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong.

Về bệnh viêm não Nhật Bản, đây là bệnh nhiễm trùng của não do virus viêm não Nhật Bản gây ra, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào mùa hè.

Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng sau đây, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trẻ sốt cao trên 39 độ, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp…

Đây là loại bệnh nguy hiểm, để lại những di chứng như bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa may, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, vận động. Khi biến chứng nặng, viêm não Nhật Bản sẽ gây động kinh, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hiện nay Viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Bố mẹ cần cảnh giác và theo dõi cẩn thận, nếu thấy trẻ sốt cao cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm phòng là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Tại Việt Nam, hiện đang có 2 loại vắc xin ngừa Viêm não Nhật Bản. Một loại do Việt Nam sản xuất là vắc xin Jevax, tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, mũi 2 tiêm cách mũi 1 từ 1- 2 tuần, mũi 3 tiêm nhắc lại sau 1 năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần để duy trì miễn dịch.. Vắc xin Imojev được tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và nhắc lại duy nhất 1 mũi sau 1 – 2 năm.

Phóng viên: Mùa hè thường gia tăng tình trạng ngộ độc thực phẩm, bác sỹ cho biết phụ huynh cần lưu ý, làm gì khi phát hiện trẻ bị ngộ độc thực phẩm?

TS.BS Đỗ Thiện Hải: Với hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện nên tình trạng trẻ bị ngộ độc thức ăn là rất dễ xảy ra. Thông thường, trẻ khi bị ngộ độc thức ăn sẽ có các phản ứng, triệu chứng biểu hiện sau 15 - 30 phút sau khi ăn. Một vài trường hợp, các triệu chứng của tình trạng có thể xuất hiện lâu hơn trong vòng 24 giờ đồng hồ. Thông thường, trẻ ngộ độc thức ăn sẽ xuất hiện với các dấu hiệu, triệu chứng điển hình như sau: Trẻ nôn hoặc muốn nôn ói; Trẻ bị đau bụng dữ dội khiến trẻ quấy khóc nhiều hơn; Có thể sốt ở giai đoạn muộn; Trẻ tiêu chảy, đi ngoài ra phân lỏng hoặc nước; Bụng chướng; người mệt mỏi. Một số trường hợp trẻ bị ngộ độc có thể rơi vào tình trạng hôn mê, không tỉnh táo. Để tránh biến chứng xấu ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường khi phát hiện trẻ có những biểu hiện như trên, người lớn cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi tham vấn ý kiến bác sĩ có cách sơ cứu phù hợp.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, người phụ huynh cần quan tâm tới trẻ hơn, sử dụng các thực phẩm an toàn. Không sử dụng và chế biến các loại thực phẩm quá hạn, thực phẩm để lâu ngày trong tủ lạnh. Đảm bảo khâu sơ chế và chế biến thực phẩm cho bé là hợp vệ sinh như nấu chín, rửa nhiều lần với nước sạch, sử dụng dao và thớt riêng cho thực phẩm sống và chín. Cho trẻ uống nước đun sôi. Hạn chế việc cho bé ăn đồ ăn đường phố, đồ ăn đóng hộp hoặc thực phẩm chế biến sẵn. Bố mẹ nên cho bé rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn uống.

Phóng viên: “Phòng bệnh hơn chưa bệnh” vậy xin bác sỹ biết cách phòng bệnh cho trẻ vào mùa hè này?

TS.BS Đỗ Thiện Hải: Hiện nay, tại Việt Nam một số bệnh vẫn chưa có vắc xin ngừa bệnh, thuốc đặc trị hữu hiệu cụ thể là bệnh sốt xuất huyết. Phụ huynh cần có các biện pháp bảo vệ trẻ thường xuyên vệ sinh nơi ở, đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước tránh muỗi đẻ trứng. Ngủ bằng màn kể cả ban ngày. Ngay khi phát hiện bị sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị và theo dõi. Không được tự ý điều trị tại nhà.

Tương tự bệnh chân tay miệng chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, để chủ động phòng chống, người lớn cần thực hiện vệ sinh thường xuyên cho trẻ. Rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước các bữa ăn, sau khi đi vệ sinh. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

                                                                         Sỹ Anh – Phú Nguyễn