Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng về bộ sản phẩm phụ khoa Trinh nữ Hoàng Cung có dấu hiệu quảng cáo sai quy định, quảng cáo dễ gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc.
Cụ thể, theo người tiêu dùng Nguyễn Ngọc N., bộ sản phẩm phụ khoa Trinh nữ Hoàng Cung gồm: Thuốc xịt TNHC, Bột ngâm TNHC, Xi lanh thảo dược TNHC, Viên uống Bổ thận âm được quảng cáo với những lời lẽ “có cánh” như: “thuốc”, “đặc trị và ngăn ngừa bệnh phụ khoa”.
Sản phẩm Trinh nữ Hoàng Cung được thổi phồng công dụng, có khả năng "Đặc trị và ngăn ngừa viêm nhiễm phụ khoa-Đặc trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa"
Chị Nguyễn Thị Ngọc N. cho biết: “Tôi bị bệnh phụ khoa, sau khi tìm trên mạng thì được giới thiệu sản phẩm này, người bán tư vấn như thuốc chữa bệnh nên tôi khá hoang mang bởi tôi biết thuốc chữa bệnh thì phải mua tại các hiệu thuốc”.
Tiếp nhận băn khoăn này, PV trong vai khách hàng liên hệ tới website http://thaoduocchuabenhphukhoa.com; tại đây, người bán hàng đã tư vấn dùng bộ Trinh nữ Hoàng Cung để “trị bệnh khó có thai, điều trị lâu dài, bệnh phụ khoa do cơ thể sẽ tự khỏe có sức đề kháng chống lại vi khuẩn lây bệnh. Thuốc bổ thận âm khi em điều trị, bên chị sẽ kết hợp thêm chai xịt… đó là bộ đặc trị viêm để khi khỏi rồi sẽ không bị tái phát lại”. Người bán hàng này không quên nhấn mạnh: “Phòng khám Thiên Nhiên Hạnh Phúc trực thuộc công ty và cam kết tất cả các sản phẩm đều được kiểm nghiệm và công nhận là thuốc đặc trị”.
Tuy nhiên, khi PV hỏi về giấy phép lưu hành của các sản phẩm trên, người bán hàng chỉ đưa ra một giấy “Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” cấp ngày 06/010/2017 cho sản phẩm “Trinh Nữ Hoàng Cung”. Khi PV thắc mắc, tại sao có 4 sản phẩm mà chỉ có 1 giấy xác nhận công bố do Cục An toàn thực phẩm cấp, người bán hàng khẳng định “đó là giấy phép của cả 4 sản phẩm”.
Những lời tư vấn "có cánh" của nhân viên bán sản phẩm Trinh nữ Hoàng Cung nhằm lôi kéo khách hàng
Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm Trinh nữ Hoàng Cung được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Giấy tiếp nhận công bố số 36702/2017/ATTP-XNCB. Như vậy, giấy phép của sản phẩm này là thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc chữa bệnh.
Theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Ngoài ra, việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải tuân thủ Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT Bộ Y tế, quy định xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc quản lý của Bộ Y tế: c) Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh
Để làm rõ thông tin nói trên, PV đã liên hệ với Công ty Thiên Y Đức theo số điện thoại công ty đăng ký với Cục An toàn thực phẩm nhưng không ai bắt máy. Việc “tâng bốc” công dụng đối với sản phẩm Trinh nữ Hoàng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào?
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin trong những bài tiếp theo.
Theo Yến Nhi/VietQ.vn