Văn hóa doanh nghiệp “sức đề kháng” đẩy lùi dịch bệnh COVID -19

Thảo Huyền

Đã có nhiều doanh nghiệp rơi vào “vực thẳm” buộc phải ngừng sản xuất, đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Làm thế nào để doanh nghiệp có "sức đề kháng" vượt qua.

Chiều 3/11, Thời báo Văn học Nghệ thuật tổ chức phối hợp với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp: Sức mạnh giúp đẩy lùi COVID”.

Theo TS Lê Thành Ý: “Dịch COVID-19 toàn cầu gây trầm trọng thêm xu hướng tăng trưởng chậm lại của thương mại, GDP, năng suất và làm xáo trộn mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đại dịch đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến mọi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu rơi vào suy thoái, nền kinh tế Việt Nam với độ hội nhập sâu rộng đã chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm….; nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô”.

Diễn đàn - Văn hóa doanh nghiệp “sức đề kháng” đẩy lùi dịch bệnh COVID -19

TBT Nhà báo, Nhà văn Hoàng Dự phát biểu tại Hội thảo.

Làm thế nào để doanh nghiệp vượt qua được đại dịch, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, giữ chân người lao động… Làm gì để doanh nghiệp có “sức đề kháng” vượt qua đại dịch?

Hơn lúc nào hết, trong suốt thời kỳ dịch bệnh, nhà nước đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp hỗ trợ người lao động, người lao động kiên trì, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, tất cả cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn…Sự đồng lòng của doanh nghiệp, sự quyết tâm góp sức người, sức của, hy sinh lợi ích riêng của mỗi cá nhân vì lợi ích chung của đất nước.

Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện rõ qua những việc làm cụ thể và thiết thực. Văn hóa doanh nghiệp được hình thành trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, là hệ thống các giá trị, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của một doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp chi phối tình cảm, lối suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp gồm nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố liên quan đến đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, được coi là nền tảng để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có văn hóa tốt sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, đồng thời có thể gây dựng thương hiệu từ chính những khó khăn đó.

Diễn đàn - Văn hóa doanh nghiệp “sức đề kháng” đẩy lùi dịch bệnh COVID -19 (Hình 2).

Nhà văn, nhà báo Võ Khắc Nghiêm.

Theo Nhà văn, Nhà báo Võ Khắc Nghiêm: “Để bảo đảm an toàn trong sản xuất kinh doanh giữa đại dịch, các doanh nghiệp Việt Nam đã giáo dục ý thức đề phòng cao cùng với quy trình và những dụng cụ, dung dịch sát trùng cho mọi người và các cửa ra vào, thường xuyên khử trùng nơi làm việc, nhà ở công nhân viên. Nhiều doanh nghiệp còn giãn cách cả nơi làm việc với những tấm mica ngăn từng khu vực và giữ khoảng cách khi ra vào, đi lại.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tỏ ra thức thời một cách sáng tạo trong việc chuyển hướng sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu phòng chống đại dịch, phục vụ đời sống trong điều kiện phải giãn cách xã hội - nhất là điều chỉnh các hàng xuất khẩu theo điều kiện, yêu cầu của đối tác đòng thời phát triển nhanh những mặt hàng thị trường trong nước cần đối phó dịch bệnh”.

Có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp có tác động lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Giá trị của Văn hóa hiện đại chính là sự cởi mở, minh bạch đối với mọi người, vì mọi người với ý thức trách nhiệm cao nhất. Việc mở cửa đất nước vội vàng, tùy tiện đã gây nên những hậu quả đáng tiếc tại nhiều nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp lớn đông công nhân tại nước ta đã chặn đứng được đại dịch. Đúng hơn là các doanh nghiệp Việt Nam đã có được sức đề kháng phi thường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa quý báu trong cuộc sống gian khổ, sáng tạo.