Viết tiếp bài BVĐK Hà Đông: Cần xem xét lại quy trình xử lý nước thải y tế ra môi trường

Thảo Huyền

Như đã đưa tin xung quanh sự việc Bệnh viện đa khoa Hà Đông xả thải vượt quy chuẩn 3/6 chỉ số nguy hại tới mức nguy hiểm:

Ai là người phải chịu trách nhiệm?

Luật Bảo vệ môi trường ra đời trước tiên là để giữ gìn môi trường sống xanh, bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý báu, bảo vệ sức khỏe của đông đảo người dân, cũng là để hoàn thiện về chế tài để xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm…hơn lúc nào hết vấn đề bảo vệ môi trường phải được đạt lên hàng đầu, có như vậy thì mới phát triển bền vững được.

 

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải y tế trong phạm vi Bệnh viện (BV) do người đứng đầu BV chịu trách nhiệm; việc vận chuyển và xử lý chất thải bên ngoài khuôn viên BV thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Ngày 20/3/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1281/QĐ – UBND về việc “Xử lý chất thải y tế nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong quyết định trên cũng đã khẳng định, Bệnh viên đa khoa Hà Đông là một trong những cơ sở y tế tuy đã có hệ thống xử lý nước thải, song hệ thống xử lý nước thải đã quá cũ, xuống cấp; việc vận hành không đảm bảo theo quy trình, không thực hiện duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên chất lượng nước thải sau xử lý vẫn có chỉ tiêu vượt quy chuẩn môi trường cho phép"

Quay trở lại với câu chuyện về quá trình PV tiếp cận thông tin, rồi mất  nhiều ngày quan sát, tìm kiếm, đợi trạm xử lý vận hành rồi mới lấy mẫu nước tại vị trí đầu ra của trạm đổ vào rãnh nước thải chung. Kết quả quan trắc của mẫu nước này cho ra các chỉ số hết sức quan ngại, tất cả đều vượt tới ngưỡng nguy hiểm chứ không giống như những con số “đẹp như hoa” trong các bản báo cáo quan trắc môi trường qua 4 quý trong năm 2019 của Bệnh viện đa khoa Hà Đông .

Điều khó hiểu nữa là nếu như các văn bản báo cáo quan trắc môi trường của tất cả các bệnh viện, cơ sở hoạt động y tế, đều tốt như vậy, thậm chí trạm xử lý nước thải của Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã xuống cấp hư hỏng, nặng nề  mà vẫn xử lý về ngưỡng an toàn đến thế thì ai dám chắc những hợp chất nguy hại đặc trưng của ngành y tế, vi rút gây bệnh đang trôi nổi ở các kênh rạch, con sông tại Hà Nội ở đâu chảy ra?

Trong bản báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư  của Bệnh viện đa khoa Hà Đông trình các cơ quan chức năng TP. Hà Nội về việc sự cần thiết phải xây dựng một trạm xử lý chất lỏng mới từ nguồn ngân sách thành phố lên tới 25.443.304.000 VNĐ. Trong bản báo cáo đề xuất này bệnh viện tự nêu về những bất cập như: “ Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện đa khoa Hà Đông hiện có đã được đầu tư từ lâu, đến nay trạm xử lý đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng không thể đáp ứng được nhu cầu về cả quy mô lẫn chất lượng đầu ra của nước thải theo QCVN 28: 2010/BTNMT, công nghệ xử lý lạc hậu không phù hợp với tình hình thực tế.”

Phiếu kết quả thử nghiệm nước thải tại Bệnh viện ĐK Hà Đông

Bao nhiêu khối nước ô nhiễm đã ra môi trường?

Việc Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thừa nhận về thực trạng trạm xử lý nước thải là thế và căn cứ vào thông tư 18/2013/TT – BYT ngày 1/7/2013 tại Điểm d, Khoản 5 Điều 3 đã qui định nước thải tại các cơ sở y tế chữa bệnh truyền nhiễm phải xử lý đạt tiêu chuẩn cột A , QCVN 28: 2010/BTNMT và dựa vào số liệu cáo của Bệnh viện về khối lượng nước đầu vào hàng ngày là 320 m2, con số này nhân lên trong vòng hơn 6 năm qua thì sẽ ra khối lượng nước không đạt chuẩn đã đổ vào môi trường nước, chưa kể đến các hóa chất nguy hại  từ 30 máy chạy thận hoạt động mỗi ngày.

Điều đáng lo ngại hơn nữa khối lượng nước này không thể thu hồi, các chất này còn tại sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trong ra môi trường nước cụ thể như chỉ số BOD là Nồng độ oxy hòa tan trong nước, lượng chất hữu cơ dễ phân hủy hay mật độ vi sinh vật trong nước và BOD5 chính là lượng oxy cần thiết của 5 ngày đầu trong nhiệt độ 20ºC trong buồng tối để tránh ảnh hưởng các quá trình quang hợp, dư chất này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái trong nước.

Giống như vậy Coliform là một loại vi khuẩn gram kị khí. Loại vi khuẩn này mang hình dạng que và không có bào tử sống . Chúng sống được trong nhiều loại môi trường khác nhau như đất, nguồn nước sinh hoạt, nước uống , thức ăn, chất thải động vật,... Tuy được coi là một loại vi khuẩn không trực tiếp gây bệnh cho cơ thể con người nhưng sự tồn tại của chúng trong nguồn nước  là một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây nên nhiều bệnh cho cơ thể con người.

 

Quy trình xử lý nước thải tại bệnh viện ĐK Hà Đông

Được biết tổng dân số Hà Nội theo kết quả khảo sát công bố vào ngày 1/4/ 2019 hiện là 8,05 triệu dân, sức ép dân số ngoài ảnh hưởng rất lớn về nhu cầu nhà ở, mật độ giao thông… đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường nước, nếu như vì một lý do nào đó? Các cơ sở y tế, bệnh viện,  trên địa bàn nếu không xử lý chất thải, nước thải triêt để hoặc xử lý theo kiểu đối phó sẽ dẫn đến hệ lụy là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của hơn 8 triệu dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thủ Đô.

Sau khi những thông tin ban đầu được đăng tải, cho tới nay dù nhiều lần PV yêu cầu được tiếp cận nhiều tài liệu khác liên quan, nhưng lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hà Đông vẫn chưa cung cấp cho cơ quan báo chí, con số hiện đông đảo bạn đọc quan tâm hơn cả là  trong những năm qua Bệnh viện đã sử dụng tài chính cho việc  xử lý nước thải  như thế nào; báo cáo về các chỉ số quan trắc lên các cơ quan chức năng ra sao…?

Để làm rõ hơn rất nhiều vấn đề liên quan tới sự việc này và có câu trả lời đầy đủ của bạn đọc quan tâm, mới đây PV cũng đã đặt lịch lên Sở tài nguyên môi trường Hà Nội và một số cơ quan quản lý khác nhằm làm sáng tỏ hơn sự việc?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin

Nhóm PV