Vụ lừa đảo tại Công ty 1.5: Bản án đã được tuyên, những vướng mắc trong thi hành

Biên tập viên

Vừa qua, đại diện của hơn 400 bị hại là những người đang được thi hành án đã gửi đơn đến các cơ quan trung ương, các cơ quan báo chí kêu cứu về việc thi hành án vụ án liên quan đến Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5

Bản án đã được tuyên…

Hành vi của Lê Hòa Bình (SN 1954) - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng bị đưa ra xét xử với Lê Hòa Bình còn có Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965) - cựu Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng, Nguyễn Mạnh Cường (SN 1972) - cựu Tổng giám đốc Công ty 1-5; Đào Duy Phong (SN 1958) - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972), trú ở phường 10, quận 3, TP HCM. 

Theo Bản án số 224/2016/HSST ngày 23.6.2016 của TAND TP Hà Nội và Bản án có hiệu lực pháp luật số 134/2017/HSPT ngày 15.03.2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên thì các bị cáo là Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa và những cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải bồi thường cho các bị hại là người được thi hành án số tiền là: 208.951.485.000 đồng.

Bị cáo Lê Hoà Bình (hàng đầu, bên trái) tại phiên xét xử (5/12/2013)

Những tưởng, với bản án tuyên thì công lý được thực thi nhưng đến nay đã gần hai năm trôi qua kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật 134/2017/HSPT ngày 15.03.2017 tuyên, Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội vẫn chỉ dừng ở việc trả khoản tiền có sẵn là: 24.458.948.431 đồng, 11.000 USD đang lưu giữ trong tài khoản của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và phát mại 3 gồm: 01 xe ô tô LEXUS, 01 xe ô tô PORCHE, 1 xe ô tô Audi A4. 

Những khoản còn lại, theo bản án tuyên là các cá nhân, tổ chức phải nộp về để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án đều không có tiến triển gì dù những người được thi hành án đã nhiều lần làm đơn đề nghị cưỡng chế theo quy định của Luật thi hành án hợp nhất 2014.

Không có căn cứ để kháng nghị

Đến nay, các cá nhân, tổ chức theo danh sách của bản án 224/2016 HSST của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không chịu nộp tiền về Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án về bồi thường cho các bị hại.

Đại diện những người được thi hành án đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Ngân hàng nộp tiền vào Cục Thi hành án để đảm bảo việc thực thi pháp luật, gửi kiến nghị đến Ngân hàng nhà Nước, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam đề nghị hoàn trả tang vật vụ án hình sự nhưng phía Ngân hàng luôn thoái thác lý do để không chấp hành pháp luật: Từ việc hướng dẫn gửi đơn sai lệch cơ quan về vấn đề tố tụng của Ngân hàng Nhà nước, đến việc nại ra lý do đang có đơn gửi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị kháng nghị giám theo thủ tục giám đốc thẩm về khoản tiền 12.110.000.000 đồng đối với bản án có hiệu lực pháp luật số 134/2017/HSPT ngày 15.03.2017 của TANDCC tại Hà Nội.

Trong khi đó theo Luật thi hành án bản án có hiệu lực pháp luật vẫn phải chấp hành, việc gửi kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là việc gửi đơn, không thể viện lý do gửi đơn để không chấp hành pháp luật. Gần đây phía Ngân hàng còn đưa ra lý do là bản án tuyên sai chủ thể phải nộp trả tiền là tang vật vụ án.

Một số người bị hại trao đổi với cơ quan điều tra sau khi xảy ra vụ việc

Ngày 21/05/2018, Tòa án nhân dân Tối cao đã có Thông báo số 185/ 2018/ TB – TA gửi Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, ý kiến: Các bị cáo đã sử dụng tiền do phạm tội mà có để thanh toán cho Hợp đồng tín dụng số 2303/ HĐTD ngày 23/03/2009 cho Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam chi nhánh Nam Hà Nội nên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp púc thẩm buộc Ngân hàng phải nộp lại toàn bộ 12.110.000.000 đồng để  đảm bảo thi  hành án về bồi thường cho các bị hại và giành quyền khởi kiện vụ án dân sự cho Ngân hàng đối với Hợp đồng tín dụng nên trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Do đó, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng Ngân hàng vẫn không chịu nộp về mà yêu cầu phải có văn bản trả lời tương tư như vậy từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tiếp đó phía Ngân hàng lại đưa ra rất nhiều lý do không có điều kiện thi hành để có tình trốn tránh không nộp tiền phải thi hành án vào Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.

Thi hành án…bị “chìm” dần

Trong suốt hời gian gần hai qua, những người được thi hành án đã nhiều lần gửi đến Tổng Cục thi hành án – Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Đơn đề nghị cưỡng chế Thi hành án đối với các các nhân, tổ chức nêu trên; Đơn tố cáo hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của các cá nhân trên gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân nhân tối cao nhưng đều không có hồi âm.

Dưới góc độ là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người bị hại, luật sư Vũ Thị Mai Phương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nhiều người, thời gian kéo dài từ 2010 đến nay gần mười năm ảnh hưởng đến kinh tế và hạnh phúc gia đình của rất nhiều bị hại.

Vụ án đã được xét xử nhiều lần, nhiều cấp xét xử. Bản án số 224/2016/HSST ngày 23.6.2016 của TAND TP. Hà Nội và Bản án có hiệu lực pháp luật số 134/2017/HSPT ngày 15.03.2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên, thiết nghĩ công lý đã được thực thi. Nhưng dường như pháp luật không nghiêm nên để một số các nhân đã lợi dụng tiền là tang vật của vụ án hình sự để phục cho hoạt động kinh doanh của họ một cách trái pháp luật. Các cá nhân ngang nhiên sử dụng khoản tiền bất chính mà không phải suy nghĩ, bận tâm gì vì các cơ quan chức năng không thực thi trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đây là một vụ án được đánh giá là rất nghiêm trọng. Lãnh đạo CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thiệt hại cho hơn 400 người. Vụ án đã được tuyên nhưng việc thi hành án có dấu hiệu “chìm” dần gây bức xúc cho dư luận.

Để tránh việc khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến an ninh trật tự và niềm tin của người bị hại vào công lý và sự thượng tôn pháp luật, báo Đời sống & Pháp luật đề nghị Tổng Cục thi hành án – Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và các cơ quan bảo vệ pháp luật có liên quan đến sớm có chỉ đạo, quyết định cưỡng chế Thi hành án đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV

 

 

Nhóm PV