Vụ tài xế gục xuống khi đang lái xe: Lời khuyên từ chuyên gia khi phát hiện người đột quỵ

Ngọc Anh

Mới đây, trên mạng lan truyền nhau clip ghi lại hình ảnh một tài xế xe khách đang điều khiển xe chở khá đông hành khách bất ngờ gục xuống vô lăng. Xe tiếp tục di chuyển và va chạm khiến hành khách hốt hoảng.

Sáng 3/9, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip được camera hành trình của nhà xe Vinh Hoa tuyến TPHCM - Bình Thuận ghi lại cảnh tài xế N.T.B. (sinh năm 1971) xuất hiện cơn co giật khi đang lái xe chở khách từ TP.HCM đến thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận).

Sau khi nghe điện thoại, ông B. có dấu hiệu đột quỵ và gục xuống vô lăng. May mắn, người tài xế đã kịp dừng xe an toàn, tránh nguy hiểm cho hành khách và người lưu thông trên đường.

Khi xảy ra sự việc, hành khách trên xe không biết cách sơ cứu nên đã gọi cấp cứu, sau đó đưa tài xế vào một bệnh viện tại Quận 5. Tối 3/9, cơ quan chức năng thị xã La Gi xác nhận tài xế đã qua đời và được đưa về thị xã La Gi, Bình Thuận an táng.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Vụ tài xế gục xuống khi đang lái xe: Lời khuyên từ chuyên gia khi phát hiện người đột quỵ

Tài xế xe khách bị đột quỵ. Ảnh: PLO

Sau khi clip camera hành trình của nhà xe tuyến TPHCM - Bình Thuận xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng phản ứng của những người xung quanh là chậm và có thể làm mất đi cơ hội sống sót của người tài xế.

Pháp luật TP.HCM dẫn lời TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, TP.HCM, đề xuất nên có quy định tài xế xe khách phải được kiểm tra tim mạch đột quỵ thường niên với hệ thống kiểm tra riêng chuyên sâu như: tầm soát bệnh mạch vành, bệnh lý mạch máu não… . “Theo tôi được biết, ở nước ngoài điều này là bắt buộc” – BS Hải nói.

BS Nguyễn Văn Phước, đơn vị Đột quỵ BV Lê Văn Thịnh, TP.HCM, cho biết các bệnh lý tăng nguy cơ đột quỵ như cao huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường, suy thận… Do vậy, nếu điều trị tốt các bệnh này sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

“Một số bệnh lý khác có thể gây đột quỵ nhưng cần kiểm tra sâu hơn mới chẩn đoán được như phình động mạch não, dị dạng động tĩnh mạch, u não… Đột quỵ là biến cố bất ngờ, không dự đoán được lúc nào xảy ra. Việc điều trị giúp giảm nguy cơ đột quỵ tối đa nhưng không ngăn ngừa 100% đột quỵ” – BS Phước cho biết thêm.

Không riêng đột quỵ, nhiều bệnh lý khác cũng có nguy cơ gây mất an toàn khi lái xe như rối loạn nhịp tim, đột tử do tim, đợt cấp COPD (tình trạng các triệu chứng hô hấp biến đổi cấp tính từ giai đoạn ổn định của bệnh trở nên xấu đột ngột), hen…

Làm gì khi phát hiện người bên cạnh có triệu chứng đột quỵ?

Sức khỏe & Đời sống dẫn lời Bà Trang Jena Nguyễn - đồng sáng lập kiêm Phó giám đốc Công ty Kỹ năng sinh tồn Survival Skills Vietnam (SSVN) - nơi cung cấp các lớp tập huấn sơ cấp cứu và kỹ năng sinh tồn cho hay, trường hợp này đã có người gọi cấp cứu thì cần thêm vài người nhanh chóng đỡ tài xế đó xuống sàn cứng hoặc xuống vỉa hè nơi an toàn khi xe đã thắng được.

"Lập tức kiểm tra nếu anh ấy vẫn còn thở bình thường thì cho nằm nghiêng, còn nếu thở bất thường, thở ngáp cá thì ngay lập tức tiến hành ép tim 30 lần (tốc độ ép 100-120 nhịp/phút) theo sau là hà hơi thổi ngạt, liên tục không ngừng (làm CPR, hồi sinh tim phổi) cho đến khi xe cấp cứu đến", bà Trang Jena Nguyễn cho biết.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Vụ tài xế gục xuống khi đang lái xe: Lời khuyên từ chuyên gia khi phát hiện người đột quỵ (Hình 2).

Các bệnh lý tăng nguy cơ đột quỵ như cao huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường, suy thận… Do vậy, nếu điều trị tốt các bệnh này sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa

Cũng theo bà Trang Jena Nguyễn, dù tài xế bị vấn đề gì thì lúc này người làm sơ cấp cứu ban đầu kịp thời rất quan trọng, nếu làm được có thể giúp đưa máu lên não cứu não.

Theo các chuyên gia y tế, khi gặp người có dấu hiệu bị đột quỵ, những người xung quanh cần thực hiện ngay các động tác sơ cứu sau: Cùng với việc gọi cấp cứu 115, cần nhanh chóng kiểm tra xem người bệnh còn đang thở hay không. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.

Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng. Nếu bệnh nhân ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh.

Tháo răng giả cho bệnh nhân (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ vật gì vào miệng người bệnh, đồng thời bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh. Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh.

Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh. Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh.

Cùng với đó, cần lưu ý những điều KHÔNG NÊN LÀM khi sơ cứu người bị đột quỵ:

- Không để nạn nhân nằm ngửa mà nên nằm nghiêng. Tư thế nằm này giúp đề phòng trường hợp bệnh nhân nôn ói hoặc lưỡi bị tụt xuống họng gây tắc nghẽn đường thở.

- Không cho bệnh nhân ăn uống hay sử dụng thuốc. Không thực hiện cạo gió cho người bệnh. Không nên để bệnh nhân nằm lâu một chỗ mà cần khẩn trương đưa đi cấp cứu.

- Khi cấp cứu bệnh nhân đột quỵ thì nhất thiết nên gọi xe cứu thương đến. Nhiều người có tâm lý sợ đường kẹt, xe hơi chạy chậm nên tự đưa bằng xe máy. Thực tế xe cứu thương có còi hụ và được ưu tiên, khi xe đến nhà thì nhân viên y tế đã sơ cứu được bước đầu.

Không ít người đột quỵ (và người bị bệnh phải cấp cứu nói chung) được đưa bằng xe máy đến bệnh viện thì đến nơi các ngón chân như bị lóc xương do trên đường đi bệnh nhân duỗi thẳng chân tay, cà chân xuống mặt đường. Bệnh nhân không đủ ý thức để nhấc chân lên, người thân cũng không bế gọn được nên nhiều khi chỉ lo chuyện đưa đến bệnh viện mà không để ý dẫn đến trầy xước nhiều chỗ.

Các cách phòng chống đột quỵ mà bạn nên biết

Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Một chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh là cách phòng chống đột quỵ mà bạn có thể thực hiện mỗi ngày. Các vấn đề bạn cần lưu ý gồm có:

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đảm bảo cân bằng hàm lượng với các nhóm chất là protein, chất béo, tinh bột, khoáng chất và vitamin.

- Không sử dụng một lượng quá nhiều trong một lần ăn. Hoặc ăn quá ít trong một ngày. Bạn cũng có thể chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày để giảm các áp lực lên dạ dày và hệ thống tiêu hóa.

- Ưu tiên sử dụng các loại rau củ, hoa quả tươi sạch để bổ sung dưỡng chất tốt cho hệ thống mạch máu của cơ thể và tăng cường quá trình lưu thông máu.

- Sử dụng cá chứa nhiều omega-3 và các chất béo không no nhằm giảm thành phần cholesterol xấu trong máu, giảm xơ vữa mạch hay quá trình hình thành các cục máu đông.

Đặc biệt, người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, thiếu máu lên não,... nên xây dựng một chế độ ăn uống riêng với sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.

Tập thể dục, thể thao

Một cách phòng chống đột quỵ khác mà bất cứ độ tuổi nào cũng có thể thực hiện được chính là tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày. Giải pháp này đem lại đến nhiều lợi ích cụ thể như giảm lo lắng, căng thẳng, tăng lưu thông máu, cải thiện sức đề kháng của cơ thể,... Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp bạn phòng chống đột quỵ hiệu quả.

Tùy theo sở thích cá nhân, thể trạng cơ thể mà bạn có thể lựa chọn các bài tập thể dục khác nhau. Tuy nhiên, không nên tập quá sức, tối thiểu nên tập từ 4 – 5 buổi/tuần và mỗi lần tập từ 20 – 30 phút.

Người cao tuổi có thể tập luyện với các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền, dưỡng sinh hoặc đi bộ. Trái lại, người trẻ có thể tập với các bài tập cần nhiều năng lượng hơn như tập gym, khiêu vũ, chạy bộ, chơi bóng rổ...

Giữ một tinh thần lạc quan, thoải mái

Sức khoẻ - Làm đẹp - Vụ tài xế gục xuống khi đang lái xe: Lời khuyên từ chuyên gia khi phát hiện người đột quỵ (Hình 3).

Tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài là một trong những tác nhân khiến đột quỵ có thể xảy ra. Ảnh minh họa.

Tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài là một trong những tác nhân khiến đột quỵ có thể xảy ra. Ví dụ như người bị stress thường có xu hướng hút thuốc, sử dụng uống rượu bia, thức khuya,... Điều này khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, máu lưu thông kém và gây ra đột quỵ. 

Chính vì vậy, để ngăn ngừa đột quỵ, bạn cần duy trì một tinh thần, lối sống thoải mái trong cuộc sống. Hạn chế việc lo âu, căng thẳng trong thời gian dài.

Điều trị các bệnh lý mạn tính

Các bệnh lý liên quan như tiểu đường, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ đối với người bệnh. Do đó, để phòng chống đột quỵ, bạn cần thực hiện điều trị và cải thiện tình trạng bệnh lý của mình. 

Giữ ấm cho cơ thể

Theo kết quả thống kê, đột quỵ có xu hướng gia tăng nhiều hơn vào mùa lạnh, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Nguyên nhân chính là do khi thời tiết trở lạnh, hormone catecholamine trong cơ thể được tiết ra nhiều hơn khiến người bệnh dễ gặp tình trạng cao huyết áp và gây đột quỵ.

Như vậy, một cách phòng chống đột quỵ khác mà bạn có thể áp dụng chính là giữ ấm cho cơ thể, tránh tắm quá muộn, không tắm bằng nước lạnh và uống nước ấm mỗi ngày.

Không hút thuốc lá và sử dụng rượu bia

Liên tục sử dụng rượu bia hay hút thuốc lá có thể gây đột quỵ đối với người sử dụng. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn so với người không có thói quen này.

Như vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, bạn nên hạn chế hoặc hoặc tìm cách từ bỏ thuốc lá, rượu bia trong cuộc sống của mình.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Các cơn đột quỵ thường xảy ra bất ngờ và thậm chí bạn không thể nhận ra các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Chính vì vậy, một giải pháp hiệu quả trong phòng chống lại đột quỵ chính là chủ động thực hiện các thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Trong đó, bạn nên thực hiện kiểm tra định kỳ cho sức khỏe 2 lần/năm hoặc tối thiểu là 1 lần/năm. Với người đang mắc các bệnh lý mạn tính thì tần suất thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể nhiều hơn.