Ngày 12/12/2019, Cục An toàn thực phẩm ban hành quyết định số 1142/QĐ-ATTP về việc thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm Công ty TNHH ĐTTM Nam Thành Phát.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 45695/2017/ATTP-XNCB cấp ngày 05/12/2017 đối với sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ích phế NTP của Công ty TNHH ĐTTM Nam Thành Phát công bố, sản xuất tại Công ty TNHH liên doanh dược phẩm Rio Pharmacy, địa chỉ: KM24, KCN Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Công ty có trách nhiệm dừng lưu thông và thu hồi toàn bộ sản phẩm nêu trên kể từ ngày 12/12/2019.
Quyết định số 1142/QĐ-ATTP về việc thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm Công ty TNHH ĐTTM Nam Thành Phát. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng ban hành Quyết định số 1040/QĐ-ATTP về việc thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm sức khỏe của Công ty CP Quốc tế Dream Life Việt Nam (Địa chỉ: TT 10 – 11 Khu Đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông,Hà Nội). 13 sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty CP Quốc tế Dream Life Việt Nam bị thu hồi bao gồm: Bổ gan An Khang, Diabet Dream, An giấc khang, Trinh nữ hoàng cung, Sắc xuân EVA, Curcumin nano lus, Khớp an bình, Họng an khang, An phế Poloco, Thymokid Mymy, Mymy Kid, Mymy Calci, Dạ dày Bà Đang.
Cục An toàn cũng yêu cầu, Công ty phải có trách nhiệm dừng lưu thông và thu hồi toàn bộ sản phẩm theo danh sách kể từ ngày ký quyết định. Việc thu hồi và xử lý sản phẩm sau thu hồi Công ty CP Quốc tế Dream Life Việt Nam thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 09 năm 2018 về việc thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Truy đến cùng doanh nghiệp không thừa nhận sai phạm trong quảng cáo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, hành vi quảng cáo sai phạm về thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên môi trường mạng Internet đang có xu hướng gia tăng. Sai phạm thường gặp nhất là quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng có tác dụng như "thần dược", như thuốc chữa bệnh, hay thực hiện quảng cáo không đúng nội dung quảng cáo đã được cấp phép… Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc có doanh nghiệp trốn tránh, không thừa nhận hành vi quảng cáo sai phạm Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, tình trạng doanh nghiệp không thừa nhận hành vi quảng cáo như vậy là có thật. Thực tế, có những trường hợp không phải do công ty sản xuất thực hiện quảng cáo sản phẩm của họ mà có thể là do các đại lý, người bán sản phẩm của công ty đó tự thực hiện quảng cáo trên một số website, facebook… “Tuy nhiên, thông thường, không ai hơi đâu mà tự dưng đi quảng cáo không công và quảng cáo sai phạm cho sản phẩm không phải của họ” - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu quan điểm, đồng thời khẳng định, cơ quan chức năng sẽ truy đến cùng các sai phạm để xử lý. |