Theo người dân xã Lạc Thịnh, mỗi khi người dân bức xúc phản ánh về việc nhà máy MDF Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình lại cử đoàn công tác về kiểm tra xử lý.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, nhà máy lại giảm công suất sản xuất để hạn chế xả thải ra môi trường. Quá trình kiểm tra kết thúc, tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhà máy quay trở lại, người dân vẫn phải chịu trận bởi khói bụi và mùi hôi thối.
Anh Phạm Thanh Hoàn, người dân xã Lạc Thịnh, bày tỏ: "Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình về kiểm tra nhà máy, tuy nhiên không cho dân chúng tôi vào chứng kiến, nên chúng tôi không biết họ giải quyết với công ty theo cách nào? Lúc đoàn kiểm tra ra về thì chúng tôi dẫn họ biết những điểm ô nhiễm mà nhà máy thải ra".
Điều đáng nói, trong các văn bản kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng luôn có những chỉ số đo lường mức độ ô nhiễm luôn ở trong mức cho phép.
Vì quá bức xúc, người dân đã góp kinh phí thuê đơn vị kiểm tra quan trắc độc lập để đo lường mức độ độc hại của nhà máy xả ra môi trường, và kết quả luôn trái ngược so với cơ quan chuyên môn của Sở TN&MT Hòa Bình.
Anh Nguyễn Phương Hưng, người dân xã Lạc Thịnh, cho biết: "Người dân chúng tôi thuê đơn vị ngoài về kiểm tra quan trắc độc lập thì thấy có những chất như fomandehit đã vượt quá chỉ số 100. Còn kết quả quan trắc của cơ quan chức năng thì chỉ số chất fomandehit ở mức cho phép. Chúng tôi còn thấy, trong quá trình cơ quan chức năng về kiểm tra thì Cty MDF giảm công suất xuống khoảng 50% dây chuyền, nên gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý".
Trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng, Chi cục bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, thông tin: "Khi nhận được thông tin người dân phản ánh việc xả thải, Sở TNMT cũng đã cử đoàn công tác về kiểm tra, lấy mẫu tại khu vực của nhà máy, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả, chúng tôi phải đợi có kết quả thì mới có biện pháp xử lý xử phạt nếu đơn vị này xả thải vượt quá mức cho phép".
Tuy nhiên, khi đề cập đến việc có sự chênh lệch trong kết quả đo quan trắc giữa cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình và đơn vị quan trắc độc lập, thì bà Hoa cho rằng: "Việc quan trắc của đơn vị độc lập họ lấy mẫu như thế nào thì chúng tôi cũng không được biết, nên không thể lý giải được vì sao lại có sự khác nhau về kết quả quan trắc".
Với một cơ sở có hoạt động sản xuất "nhạy cảm" với môi trường, nhưng hoạt động từ năm 2012 đến năm 2019 mới hoàn thành và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Suốt thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn chỉ đạo sát sao, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình lại có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để một cơ sở hoạt động sản xuất khi chưa đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường như ở nhà máy MDF Hòa Bình là điều rất đáng lo ngại.
Thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cần sớm có giải pháp xử lý dứt điểm, là di dời nhà máy MDF Hòa Bình ra khỏi khu vực dân cư, giữ môi trường sống bền vững và an toàn cho người dân, và cũng cần kiểm tra xử lý trách nhiệm các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng nhà máy hoạt động gây ô nhiễm môi trường suốt thời gian dài, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
(Còn nữa...)