Trong tuần vừa qua, vấn đề băng nhóm ở chợ Long Biên tiến hành hoạt động “bảo kê” đã bị các cơ quan báo chí vạch mặt, được lên sóng Đài truyền hình Việt Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định tình trạng bảo kê là có thật, và ra chỉ đạo Công an thành phố cần chủ trì khẩn trương đôn đốc làm rõ, xử lý nghiêm, trả lời sớm cho cơ quan báo chí và công luận. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý chợ Long Biên tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, công an quận cùng với Ban quản lý, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự phối hợp giám sát chợ hàng ngày, sắp xếp ổn định để người dân thuận lợi buôn bán.
Chủ tịch UBND TP HN Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp. Ảnh TTXVN
Các tiểu thương buôn bán ở chợ Long Biên thường xuyên bị nhóm “bảo kê” dọa nạt, ép buộc phải đóng tiền, nếu không thì hết đường làm ăn vì nếu không đóng nhóm này sẽ dùng nhiều thủ đoạn khiến họ không thể nhập hàng, không có chỗ kinh doanh như: dùng xe chắn ngang cửa, dùng cá thối nồng nặc đổ ngay sát cửa hàng…
Hoạt động "bảo kê". Ảnh Internet
Trao đổi với các chuyên gia pháp lý, nhóm phóng viên đã hỏi về các hành vi phạm tội của nhóm “bảo kê” và qui định của pháp luật về hành vi đó. Các chuyên gia cho biết nhóm người này không chỉ đe dọa dùng vũ lực, mà còn có các thủ đoạn khác để uy hiếp tiểu thương, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Theo các bằng chứng như clip, ghi âm, giấy nhận tiền…đã đủ căn cứ để khởi tố nhóm người này về tội Cưỡng đoạt tài sản. Nhiều người cho răng đây là hành vi cướp tài sản của người dân, nhưng giữa 2 tội danh này có sự khác biệt. “Cướp tài sản” là dùng vũ lực hay đe dọa dùng thủ đoạn khác ngay lập tức để chiếm đoạt tài sản, còn như băng nhóm này đe dọa, có những hành vi khiến người dân từ từ lâm vào cảnh mất tinh thần, không có cách phản kháng, buộc họ phải làm theo ý của chúng thì nó cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo Điều 170, Bộ Luật Hình sự 2015 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Ngoài các yếu tố "có tổ chức; gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội" thì phải áp dụng thêm tình tiết tăng nặng "phạm tội 2 lần trở lên". Cơ quan điều tra còn phải thu thập chứng cứ, tài liệu xác minh để xác định khung hình phạt cho các đối tượng trên. Nhưng theo tình hình buôn bán ở chợ Long Biên thời gian qua và hoạt động "bảo kê" đã diễn ra từ lâu, giá trị tài sản chiếm đoạt có thể lớn hơn 500 triệu, các chuyên gia cho rằng có thể áp dụng mức phạt cao nhất theo khoản 4 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
PGS. TS Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho biết "Nguyên nhân trước hết là bởi sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chính những cơ quan quản lý. Hoạt động của các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, xử lý không kịp thời".
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan vào cuộc và có báo cáo trước ngày 30/9.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những diễn biến mới nhất của vụ việc.
Nhóm PV