“Tôi thấy nhiều người chia sẻ những bài thuốc trị bệnh da liễu từ cây cỏ nhưng thú thật tôi không dám dùng thử. Tôi chỉ sợ các loại cây đó sẽ gây ngứa hơn và rước thêm bệnh vào người”, chị Nguyễn Thị Hải (Hà Đông, Hà Nội) lo lắng.
Cây lá hen. Ảnh: T.K
Trước những bài thuốc được lan truyền trên mạng, PV đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia Đông y. Lương y Đa khoa Dương Văn Phong (hội Đông y Thanh Trì, Hà Nội) cho hay: “Trong Đông y, có rất nhiều loại thảo dược được sử dụng bào chế thành thuốc trị bệnh da liễu. Tuy nhiên, việc sử dụng liều lượng ra sao, điều trị loại bệnh nào thì cần có tư vấn của thầy thuốc".
Cũng theo lương y Phong, trong Đông y, cây ké đầu ngựa và cây lá hen là một trong những vị thuốc dùng để chữa bệnh da liễu.
Để tư vấn cho bạn đọc, lang y Dương Trung Kiên (xã Làng Lai, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) đã chia sẻ một bài thuốc dễ sử dụng, mang lại hiệu quả cao cho những người bị hắc lào, nấm, tổ đỉa, chàm...
Cây ké đầu ngựa. Ảnh: T.K
Theo đó, chỉ cần hai vị thuốc kết hợp sẽ trị bệnh da liễu rất linh nghiệm.
“Cây ké đầu ngựa lấy quả sao vàng rồi nghiền bột, ăn 3 thìa/ngày (tương đương 9g/thìa). Cây lá hen nấu thành cao lỏng dùng để bôi vào nơi bị viêm ngứa. Sau 3 ngày vết tổn thương khô, thu miệng lại, xuất hiện những nốt mụn nhỏ li ti vòng quanh rồi nặn hết những mụn đó. Tiếp tục kết hợp uống và bôi như vậy, sau 10 ngày người bệnh hoàn toàn khỏi không để lại chút sẹo nào trên da”, lang y Kiên tư vấn.
Vị này cũng cho biết thêm, có trường hợp bệnh nhân bị nấm từ nhiều năm, cứ hàng tháng lại bị tái phát, ngứa đến mức gãi chảy máu, đặc biệt, khi ăn đồ tanh thì bị nổi ban đỏ ở nách, bẹn, đùi và ngực. Những bệnh nhân này sử dụng bài thuốc đơn giản trên cũng sẽ hiệu quả.
Theo vị này, những người bị viêm da khi sử dụng bài thuốc trên cần kiêng ăn thịt lợn và rau muống.