Thức quà tuổi thơ cùng với những tiếng rao bán nghe xao xuyến lòng người.
Trong thời buổi ngày nay, khi có vô vàn đồ ăn thức uống mới, rồi người ta còn mang cả đồ ăn nước ngoài du nhập vào, thì bánh đa kê dường như “chìm nghỉm” giữa một thị trường đồ ăn vặt ấy. Thế nhưng, điều khác biệt vô cùng chính là những kỷ niệm tuổi thơ mà không phải món ăn nào cũng được người ta nhớ đến như vậy.
Chẳng biết từ bao giờ, nhưng với thế hệ 8x, rồi thậm chí cả thời ông bà, cha mẹ chúng ta, ai ai cũng đều biết đến bánh đa kê – món ăn mang đậm hoài niệm tuổi thơ của rất nhiều người ở miền Bắc, nhất là những người dân Hà Nội.
“Aiiiii… kê đê!”… Tiếng rao kéo dài rồi ngắt nhịp ở cuối câu từ lâu đã trở thành “tiếng lòng” của biết bao đứa trẻ. Nghe thôi cũng thấy thèm nhỏ dãi. Chẳng phải chỉ riêng lũ trẻ con đâu, nhiều cô còn mê bánh đa kê đến nỗi đi chợ cũng phải lén mua cho bằng được lấy một miếng mang về. Hoá ra, cái “thói” ăn vặt đã có từ xưa đến giờ.
Bánh đa kê ăn vừa giòn ở lớp bánh đa, lại vừa mềm ở phần đậu và kê, thơm lừng mùi kê nấu, lại bở bở chút đậu xanh đồ chín. Cắn một miếng kêu cái “rốp”, tất cả hương vị hoà quyện vào nhau, hấp dẫn vô cùng. Khi ăn, người ta thường cắt các miếng bánh đa hình tam giác, phết kê cùng với đậu xanh và đường lên trên. Những hạt đường sẽ nhanh chóng tan chảy, hoà quyện vào lớp kê, lớp đậu…
Sở dĩ món này được gọi là bánh đa kê chính là bởi các nguyên liệu làm nên nó: bánh đa, và kê. Thật ra, nếu nói đúng thì còn phải có cả đậu xanh và đường nữa, nhưng chắc những người làm ra nó cứ muốn gọi ngắn vậy, cho dễ nhớ.
Để nấu bánh đa kê không khó, nhưng phải thật sự kiên trì. Hạt kê phải giã để sàng sảy đi lớp vỏ bên ngoài rồi ngâm nước, sau đó mới nấu như nấu cơm nếp. Vừa nấu, phải vừa đảo tay liên tục để kê không bị dính nồi, sẽ nhanh cháy. Khi kê sôi thì giảm lửa, đậy kín vung cho chín. Đậu xanh thì đồ lên với chút muối cho chín.
Hạt kê tuy quen mà lạ, nhất là thế hệ ngày nay không phải ai cũng biết. Đây là một loại hạt dạng ngũ cốc, cực nhỏ. Để dễ hình dung thì nhiều người cứ xếp tạm nó vào mấy thứ hạt như ngô, đậu, mè… vậy.
Liệu có ai còn nhớ hương vị bánh đa kê xưa?
Ngày nay, hàng quán ăn vặt mọc lên ngày một nhiều, tiện nghi hơn, sang trọng hơn và cũng có phần ngon mắt, hấp dẫn hơn hẳn thứ quà đi rong này. Các cô, các chị mưu sinh bằng món nghề này giờ cũng không còn thấy nhiều như xưa, nhưng nếu bắt gặp một hàng bánh đa kê đi rong kiểu gì người ta cũng phải mua cho bằng được. Cái ngon của miếng bánh đa kê đôi khi không chỉ đến từ hương vị của những thứ nguyên liệu giản dị, mà còn bởi khiến người ta như được trở về những năm tháng ấu thơ.
Bánh đa kê giờ không còn giá 2.000 – 3.000 đồng một cái như nhiều năm trước, nhưng hương vị thì có lẽ vẫn không lẫn đi đâu được. Bánh đa kê ngon nhất là lúc vừa làm xong, bởi chỉ độ dăm mười phút, bánh đa sẽ ỉu và dai nhách.
Những chiếc xe đạp bán bánh đa kê đi rong qua từng con ngõ với tiếng rao vang cả một góc phố, vốn đã in sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Người bán bánh đa kê chẳng cần nhiều đồ nghề. Túi bánh đa đã nướng giòn treo lủng lẳng ở đầu ghi đông xe, nồi kê được chằng dây cho chắc ở yên sau, thêm chiếc âu nhựa đựng đỗ xanh đã đồ chín cùng chai đường kính là có thể rong ruổi khắp phố phường.
Ngày nay, bánh đa kê không còn được bán phổ biến như trước. Thỉnh thoảng, trên những con phố của Hà Nội, hiếm lắm mới bắt gặp một chiếc xe bán bánh đa kê đi qua. Hoặc may mắn thì sẽ tìm được nơi bán bánh đa kê ngồi nguyên một chỗ như ở khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn (gần hồ Tây) hoặc đôi khi trên phố đi bộ hồ Gươm sẽ có một chiếc xe đạp nhỏ đứng bán bánh đa kê ở góc phố Tràng Tiền.
Giữa muôn vàn món ăn chỉ còn trong hoài niệm của các thế hệ đi trước, đâu đó vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống của người dân Hà thành bây giờ một món ăn mang tên: bánh đa kê. Các thế hệ trẻ, muốn hiểu hơn về tuổi thơ của ông cha, sao không thử một lần thử ăn món bánh tuổi thơ này?