Chuột đồng thành đặc sản đắt hơn thịt lợn, người dân đi bắt kiếm tiền triệu mỗi ngày

Thảo Huyền

Đến hẹn lại lên, khi vụ lúa hè thu đến kỳ thu hoạch là dịp những “tay” săn chuột chuyên nghiệp được dịp “hốt bạc” khi mỗi người mang về cả chục kg, thu về cả triệu đồng mỗi ngày.

Chỉ vào bao tải lúc nhúc toàn chuột đồng, anh Nguyễn Văn Bình – trú tại làng Sặt, xã Tân Phong (Ninh Giang, Hải Dương) cho biết, mùa này là mùa chuột béo và ngon nhất trong năm.

Để bắt được nhiều nhất, ban ngày, anh Bình cùng nhóm 4-5 người cùng nhau đi khắp các cánh đồng, theo chân máy gặt để bắt chuột bằng tay. Ban đêm, nhóm của anh lại chia nhau đi soi rồi dùng vợt úp chuột.

“Mùa này những ruộng lúa chưa gặt hết, chuột nằm phía trong cực nhiều, cứ theo máy gặt mà bắt chuột mỏi tay. Sáng nay chúng tôi mới đi 1 ruộng thôi đã bắt được khoảng 10kg rồi. Có ngày 5-6 người bắt nhiều nhất cũng được hơn 1 tạ”, anh Bình cho hay.

Chuột đồng thành đặc sản đắt hơn thịt lợn, người dân đi bắt kiếm tiền triệu mỗi ngày - 1

Nhiều người đi bắt chuột để làm mồi nhậu cho vui nhưng có những người coi đây là công việc chính của mình.

Ban đêm, anh Bình lại cùng nhóm bạn mang đèn pin đi dọc các cánh đồng dùng vợt để bắt chuột. “Chúng tôi đi từ 6 giờ tối đến 1-2 giờ sáng, chia nhau cứ 2 người 1 ruộng rồi lùa trong ruộng lúa, con nào chạy ra thì mình chạy theo rồi ụp, vừa vui vừa mệt”, anh Bình kể.

Để bắt được nhiều chuột nhất, vào mùa gặt, những người bắt chuột như anh Bình nhiều khi phải đi sang các cánh đồng của các huyện lân cận, thậm chí sang tận Thái Bình.

Khi những ruộng lúa cuối cùng được thu hoạch xong, lũ chuột lại rồng rắn kéo nhau vào hang trú ấn, chờ ban đêm chạy ra phá hoại mùa màng. Vì thế, anh Bình lại cùng “phi đội” của mình vác cuốc, xẻng đi đào. Hang nào ít cũng phải có 3-4 con, nhiều thì 40-50 con/hang cũng có.

Chuột đồng thành đặc sản đắt hơn thịt lợn, người dân đi bắt kiếm tiền triệu mỗi ngày - 2

Chuột đi bắt về đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó với giá từ 90.000 đồng/kg trở lên.

Theo anh Bình, thịt chuột ở làng Sặt quê anh thành đặc sản từ bao giờ anh cũng không biết. Chỉ nhớ từ khi anh biết đến con chuột trông như thế nào đã thấy người dân lấy thịt chuột làm thức ăn hàng ngày hoặc tiếp đãi khách quý.

Chuột được bày bán quanh năm ở các chợ, nhà hàng như một món không thể thiếu. Vì vậy, nhiều người coi việc bắt chuột là một nghề “kiếm cơm”, mang về thu nhập chính cho cả gia đình.

Chuột đồng thành đặc sản đắt hơn thịt lợn, người dân đi bắt kiếm tiền triệu mỗi ngày - 3

Chuột được làm sạch lông sau đó mang thui với rơm.

Chuột sau khi bẫy về được các thương lái thu mua với giá 100-130.000 đồng/kg. Nếu làm sạch, thui rơm thơm nức được bán với giá khoảng 150.000 đồng/kg, thậm chí 180-200.000 đồng nếu vào đợt khan hiếm. Nếu may mắn, có đêm đội săn chuột 4-5 người có thể thu về vài triệu đồng tiền bán chuột.

Là thương lái chuyên mua bán chuột tại xã canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội), anh Đặng Văn Tân cho biết, thịt chuột đồng được người dân ở đây coi là đặc sản hàng chục năm nay.

“Mùa này chuột được ăn no nên to béo, thịt cũng thơm ngon. Các thợ săn chuột thường đi vào buổi tối. Mỗi đội có khoảng 5 người, cùng nhau xua chuột ra rồi úp, bắt được khoảng 20-30kg/tối, có hôm được nhiều họ còn bắt được cả 50-60kg, mang về bán với giá 90-100.000 đồng/kg ”, anh Tân cho hay.

Chuột đồng thành đặc sản đắt hơn thịt lợn, người dân đi bắt kiếm tiền triệu mỗi ngày - 4

Chuột đồng thành đặc sản đắt hơn thịt lợn, người dân đi bắt kiếm tiền triệu mỗi ngày - 5

Những con chuột béo múp trở thành đặc sản đắt hơn thịt lợn

Tuy nhiên, theo anh Tân, nghề săn chuột chỉ kiếm được vào khoảng 2-3 tháng vụ mùa, những tháng còn lại có ít chuột, mỗi người chỉ bắt được khoảng 2-3kg.

Hơn nữa, để bắt được chuột, họ phải chạy như bay trên những cánh đồng vào mỗi tối, thậm chí khi vồ còn bị ngã hoặc bị chuột cắn chảy máu, băng bó khắp tay, rất vất vả.

Chuột đồng được coi là món đặc sản đối với nhiều người. Tùy vào sở thích mỗi người mà thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau.

“Chuột thui chín được mổ bỏ ruột, hạch ở sau tai và hai bên đùi chỉ còn phần thịt nạc và lớp da giòn quyện mùi khói rơm nếp, từ đó có thể xào lăn, chiên giòn, hấp rắc lá chanh, nấu giả cầy hoặc nướng”, anh Tân chia sẻ.