Chuyện của những người lính chống Covid-19 trên biên giới Yên Khương

Huy Hoàng

“Có gì đâu anh! Thời điểm này, em chỉ là một trong rất nhiều người lính tạm gác những nỗi niềm riêng tư để tập trung cho phòng, chống dịch Covid-19, điều hạnh phúc nhất của em bây giờ là vợ đã sinh cháu trai hơn 4kg, mẹ tròn, con vuông”. Đó là tâm sự của Trung úy Nguyễn Xuân Tài, Đội trưởng Tham mưu hành chính Đồn Biên phòng Yên Khương, BĐBP Thanh Hóa khi dẫn tôi lên thăm các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.

1-phat-to-roi-tuyen-truyen-va-phat-xa-phong-cho-nguoi-dan

Cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương và lực lượng phối hợp phát tờ rơi, xà phòng miễn phí tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Quốc Toản

Đường tuần tra biên giới những ngày đầu tháng Tư mây mù phủ đặc, từng cơn gió mang theo cái rét Nàng Bân khiến cảm giác lạnh tê tái như những ngày giữa mùa đông. Trung úy Tài chở tôi bằng chiếc Dream đã cũ, ì ạch leo dốc, xuống đập tràn, vừa đi vừa làm công tác tư tưởng cho tôi, “Anh yên tâm, bọn em quá quen với đường này rồi, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho anh, có điều anh đừng sốt ruột vì không đi nhanh được, bọn em vất vả nhất là lúc thời tiết Đông-Xuân lạnh giá, nhiều sương mù và vào mùa mưa lũ, sạt lở, đi được xe máy chậm một chút cũng là hạnh phúc rồi”. Con đường từ đồn lên đến chốt kiểm soát phòng dịch đóng trên đường mòn xuyên rừng khoảng hơn 5km cả đường bê tông và đường đất, nhưng chúng tôi phải đi mất hơn 20 phút. Cũng trong khoảng thời gian ấy đủ để tôi hiểu được sơ bộ hoàn cảnh của người Trung úy trẻ có người vợ mới vừa sinh con trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.

Sinh năm 1993, ở miền trung du Cẩm Thủy, học xong THPT, với lực học của mình, Tài có khả năng lựa chọn rất nhiều ngành, nhưng theo ước mơ từ bé, Tài quyết định thi vào Học viện Biên phòng, học chuyên ngành Trinh sát. Tốt nghiệp ra trường có khoảng thời gian ngắn công tác ở tuyến biên giới biển còn lại phần lớn được gắn bó với vùng biên huyện Lang Chánh. Tài kể, năm 2018 em cưới vợ, do gia đình neo người, bố mẹ đã lớn tuổi, là con lớn trong nhà lại thường xuyên công tác xa nên gia đình luôn quan tâm tới chuyện sớm có con cho vui cửa vui nhà. Tài đùa vui: “Rồi điều hạnh phúc tuyệt vời đã đến với em vào một buổi đẹp trời, tháng 7 năm 2019, vợ gọi điện báo tin vui đã có em bé. Vợ chồng nhẩm tính thời gian rồi thống nhất phải dành phép vào tháng Ba phụ giúp vợ khi sinh, thế mà cái con Covid-19 làm lỡ hết kế hoạch của em”. Tài cho biết vào trung tuần thángBba, khi mới nghỉ phép được một tuần, vợ nhập viện chờ sinh được 5 ngày, đã có chỉ định của bác sỹ phải mổ đẻ vì bé quá lớn thì đúng dịp dịch Covid-19 bùng phát. Động viên vợ và gia đình, thu xếp mọi công việc, Tài xung phong lên đơn vị trực cùng đồng đội.

2-cong-tac-chuan-bi-cho-1-buoi-tuyen-truyen-luu-dong

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương và các ban, ngành địa phương làm công tác chuẩn bị để tuyên truyền phòng, chống dịch lưu động. Ảnh: Quốc Toản

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Yên Khương nằm trên con đường đất, tựa vào vách núi. Sau thủ tục kiểm tra thân nhiệt bắt buộc, Thiếu tá Cầm Bá Thắng, Đội trưởng Vũ trang vừa đốt ống nứa đựng nước chè xanh (người dân địa phương thường gọi là chè lam), vừa giới thiệu: Chốt gồm có 6 cán bộ, chiến sĩ do anh phụ trách. Hằng ngày được chia làm 2 tổ, một tổ trực tại chốt và một tổ cơ động tuần tra trong khu vực được phân công. Chỉ cho tôi con đường nhỏ men theo bờ suối, anh cho biết: "Đây là đường mòn xuyên rừng lên mốc giới 348, tiếp giáp với bản Cân (Lào). Trước đây, bà con dân bản thường vào rừng thu hái lâm sản, đường mòn này vào rừng có thể sang được phía nước bạn. Từ ngày xảy ra dịch bệnh, chỉ huy đơn vị đã phân công anh em lên đây lập chốt vừa để tuyên truyền vận động bà con nhân dân tạm dừng các hoạt động thu hái lâm sản, và cũng để ngăn chặn kịp thời các trường hợp vượt biên giới trái phép trốn về địa bàn trong mùa dịch. Thời gian này, do được cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuyên truyền, phân tích nên bà con đã chấp hành tốt, tuy vậy anh em chưa một phút lơ là, chủ quan, vẫn thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát...

Nói về những vất vả của người lính làm nhiệm vụ trên chốt, Thiếu tá Cầm Bá Thắng chia sẻ: Đối với anh em lính Biên phòng việc ăn ngủ trong rừng là việc bình thường, tuy nhiên trong thời gian bệnh dịch Covid-19 bùng phát việc bố trí nơi ăn ở trong khoảng thời gian dài không đơn giản chút nào. Khi lập chốt do đường đất khó đi, lại xa đơn vị nên chỉ có thể vận chuyển được những vật dụng, lương thực cần thiết còn lại anh em phải tự túc tại chỗ.

Tôi hướng mắt theo lời Thiếu tá Cầm Bá Thắng kể, nơi ở của các anh có diện tích khoảng 6m2, tất cả vật liệu đều được các anh tự làm từ cây rừng. Từ cột, mái lợp, sạp ngủ, bàn làm việc đều được thiết kế đơn sơ chắc chắn, mà sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Thiếu tá Thắng vừa với tay rót nước chè lam mời khách vừa trải lòng: Xác định công tác chống dịch là hết sức quan trọng, không thể tính bằng ngày một ngày hai nên Ban Chỉ huy đơn vị luôn quan tâm động viên anh em vừa thực hiện nghiêm công tác canh trực và cũng tranh thủ thời gian thu xếp cơ bản lượng lương thực thực phẩm dự trữ đảm bảo cho sinh hoạt, đảm bảo sức chiến đấu cho bộ đội. Ngoài những thứ anh em tranh thủ kiếm được như rau xanh, măng rừng, cứ vài ngày đơn vị lại chuyển thực phẩm tươi lên cho bộ đội.

3-huondan-cac-chau-deo-khau-trangg

Cán bộ tại chốt hướng dẫn các cháu đeo khẩu trang. Ảnh: Quốc Toản

Từ chối lời mời “ăn cơm thăm trên chốt” của các chiến sĩ, tôi về Đồn Biên phòng Yên Khương lúc 4 giờ chiều khi làn sương đã dày đặc như quấn lấy mọi vật trên đường. Tôi hình dung cảnh ẩm ướt, lạnh giá của đêm rừng mà thấy lòng tê tái. Thương các anh, những người đang thầm lặng hy sinh.

Bữa cơm chiều tại Đồn Biên phòng Yên Khương, nhà ăn sạch sẽ gọn gàng có 6 mâm, mỗi mâm 3 người. Trung tá Nguyễn Ngọc Văn, Đồn trưởng giải thích: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa, để đản bảo công tác phòng, chống dịch, đơn vị đã bố trí ăn thành nhiều lần để đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định. Qua tìm hiểu từ anh, tôi được biết, từ ngày xảy ra dịch bệnh, mặc dù trên địa bàn huyện Lang Chánh chưa có trường hợp nào thuộc diện nghi nhiễm nhưng đơn vị đã chủ động phối hợp với lực lượng y tế xã Yên Khương tiến hành phun khử khuẩn ở tất cả các trường học, công sở trên địa bàn và doanh trại đơn vị. Cùng với việc phối hợp với UBND xã kiểm tra thực tế, tu sửa nâng cấp hệ thống truyền thanh xã để tăng cường thời lượng phát thanh tuyên truyền; tiến hành rà soát tất cả các trường hợp đang đi làm ăn, lao động ở các địa phương khác để vận động người dân ổn định tại nơi đang lao động không trở về địa bàn, hoặc có biện pháp cách ly đúng thời gian quy định; đơn vị đã triển khai lực lượng phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Trạm Y tế xã Yên Khương tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Bằng các hình thức tuyên truyền như: Phát tờ rơi, cấp phát và hướng dẫn cách sử dụng khẩu trang, lực lượng phối hợp đã chia thành nhiều tổ, dùng loa cơ động trên các trục đường, đến từng bản, truyên truyền cho bà con nhân dân hiểu rõ về dịch Covid-19, cách phòng tránh, không tụ họp đông người, vận động các hộ gia đình chấp hành tốt việc tổ chức đám ma, đám cưới trong mùa dịch đúng quy định, đặc biệt là không tiếp nhận những thông tin xấu độc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh. Đơn vị cũng đã phối hợp với Dân quân, Công an và Y tế xã Yên Khương thành lập 2 chốt cố định và 1 chốt cơ động, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát người ra vào khu vực biên giới, tiến hành đo thân nhiệt, tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến dịch bệnh với các cơ quan chức năng của Lào, thống nhất đóng lối mở biên giới bản Xắng Hằng đi bản Cân (Lào); vận động nhân dân không đi thăm thân, hoạt động qua lại biên giới để có biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 từ xa một cách kịp thời. Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Yên Khương đã cấp miễn phí 150 bánh xà phòng, hơn 200 khẩu trang cho nhân dân trên địa bàn.

4-kiem-soat-tai-chot

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: Quốc Toản

Thượng tá Lê Duy Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương cho biết thêm: Đơn vị được giao quản lý 7km đường biên giới với 3 cột mốc, phụ trách địa bàn xã Yên Khương. Đây là địa bàn rộng có nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã và đường quốc lộ, lượng người và phương tiện ra vào địa bàn làm ăn, buôn bán nhiều. Sau khi có Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội không để dịch bệnh Covid-19 lây lan ra cộng đồng, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Yên Khương phối hợp với các lực lượng địa phương thành lập thêm 5 chốt cố định và 1 chốt cơ động kiểm soát phòng, chống dịch. Hiện, cả 7 chốt cố định của đơn vị đã được trang bị máy kiểm tra thân nhiệt, nước rửa tay diệt khuẩn, lực lượng ở các chốt luôn duy trì nghiêm, tổ chức trực 24/24 giờ, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn. Từ khi có thông tin về dịch, cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn cập nhật thông tin, bám sát chỉ đạo của trên để quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị nắm, hiểu rõ về tình hình dịch bệnh, từ đó xác định tốt tư tưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực trong công tác phòng, chống dịch.

Thông tin về tình hình địa bàn, Thượng tá Lê Duy Hùng chia sẻ: Nhân dân sinh sống trên địa bàn đơn vị phụ trách chủ yếu là người dân tộc Thái, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Thời gian đầu, một số bà con vẫn còn chủ quan với dịch bệnh, vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, ra đường không đeo khẩu trang…Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời ở các điểm chốt, đến nay người dân đã ý thức cao trong công tác phòng, chống dịch, biết chăm lo bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt là đã tạm hoãn việc tổ chức đám cưới cho con...

5-tuan-tra-dem

Một buổi tuần tra đêm của các tổ, chốt. Ảnh: Quốc Toản

6-bua-an-toi-taiij-chot

Bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ  tại chốt. Ảnh: Quốc Toản

Tình hình dịch bệnh còn phức tạp và cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa báo được ngày dừng, các anh - những chiến sĩ trên núi rừng Yên Khương vẫn vững vàng, bền bỉ, đồng sức đồng lòng quyết tâm chống dịch. Khi đất nước an bình, các anh được thảnh thơi đôi chút, nhưng khi đất nước có mối an nguy, dịch giã thì hơn lúc nào hết, phẩm chất Bộ đội cụ Hồ lại ngời ngời tỏa sáng. Các anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng là người lính tiên phong trên các mặt trận.

Đêm Yên Khương tĩnh lặng, đầy đủ chăn ấm, nệm êm mà tôi không sao chợp mắt được, trong tôi cứ ám ảnh hình bóng các chiến sĩ ngày đêm canh chốt trong thời tiết giá lạnh, lặn lội trong mưa rừng, trong sương mù giăng như khói bếp, muỗi vắt nhảy trên vai áo... Thương lắm và cũng tự hào lắm. Tứ thơ bỗng ào về trong tôi... xin chép lại, gửi tặng các anh:

Tâm tình của người trên chốt

Đồn là nhà nhưng anh có về đâu
Mấy hôm nay toàn đứng canh trên chốt
Vách núi là tường, cây rừng làm cột
Lá rừng che tránh mưa dột sương bay.

Đồng đội cùng anh vẫn vững nơi này
Nơi biên cương in hình hài tổ quốc
Mỗi tấc đất quê hương là máu thịt
Anh nghe lòng đồng vọng tiếng thiêng liêng.

Anh đang nghe Tổ quốc gọi gần hơn
Cả nước ta đồng lòng cùng chiến dịch
Là con Lạc cháu Hồng nên nghe lòng quặn thắt
Khi SARS-CoV-2 đang rình rập kề gần...

Đừng buồn nhé em dù những nắng, những mưa
Những sáng, những trưa, những chiều, những tối
Những buổi đón con tan tầm về vội
Không có anh chia sẻ mỗi ngày.

Anh sẽ lại về thôi trong một buổi sớm mai
Đất nước bình an không còn giặc dịch
Về để nghe tiếng cười của con mình cùng lũ trẻ con hàng xóm
Để vợ anh nấu nước chè mời cô bác sang chơi...

Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, với sự hy sinh thầm lặng của những người lính đang ngày đêm thức canh nơi biên thùy, chúng ta sẽ sớm chiến thắng được giặc dịch, để đất nước lại an bình. Xin kính chúc các anh nhiều sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, niềm tự hào của Đảng, của nhân dân dành cho các anh.