Trong các vùng có giống chó bản địa tốt của nước ta hiện nay như Phú Quốc, Bắc Hà, Hà Giang… thì loại chó Mông đuôi cộc ở Hà Giang đang được người ta chú ý đến nhiều nhất. Nghĩa là giống chó này đang thuộc loại “đẳng cấp”.
Cứ lên mạng mà tìm, chỉ cần vào google mà đánh chữ: Chó Mông sẽ thấy nhẩy ra 1 loạt các dữ kiện. Nguồn bán, nguồn mua, rồi trao đổi, nâng giá lên, đặt giá xuống ngay trên mạng. Thậm chí có một số mạng như: “Vietpet”, “Taivenh”, “dogsinVietNam.com”… còn có rất nhiều trang mô tả khá kỹ lưỡng về loại chó này.
Từ “đặc điểm nhận dạng” (sợ người kết “ăn” phải hàng đểu) thì còn có các “thông điệp” được đưa ra như nuôi thế nào, ăn uống ra sao… cụ thể hơn cả giáo trình dậy cách chăm sóc trẻ của một số sách. Càng nổi danh hơn, khi vừa rồi, chính thức VKA (Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam) đã công nhận gống chó Mông đuôi cộc này thuộc đẳng cấp FCI (đẳng cấp chó giống Quốc tế), sau một nghiên cứu khá công phu do nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga thực hiện.
Không biết giống chó Mông loại đuôi cộc này bắt đầu nổi tiếng từ khi nào. Loanh quanh ở cái chợ thành phố, nằm thọt lỏm giữa sự “kìm kẹp” của hai quả núi có tên Mỏ Neo và núi Cấm, hay lang thang ở khu Chợ đá cổ của Cao nguyên Đồng Văn để tìm hiểu loại chó này ở các bậc cao niên, tôi thấy mỗi người có một nhận xét và đánh giá khác nhau.
Để có những con chó Mông thuộc loại đuôi cộc này, ngoài việc lùng sục là sự tốn kém khá nhiều về tiền nong.
Người thì bảo đây là giống chó lạ, từ vùng lạnh di xuống theo sự xê dịch của cộng đồng người Mông trong lịch sử. Người thì bảo đây là giống chó bản địa, sở dĩ nó lạ và khôn như vậy là do phải sống ở vùng khí hậu, thổ nhưỡng nghèo nàn và khốc liệt. Để thích nghi, qua nhiều đời trường tồn, theo kiểu biến dị, di truyền và chọn lọc tự nhiên của ông
Với các đặc tính như to con, chỉ ăn uống kham khổ, không sủa bừa, cắn bừa, không lành quá, không phải mất công dậy dỗ và đặc biệt là trung thành với chủ nuôi nên giống chó này nhanh chóng “lọt vào tầm mắt” của những người nuôi chó thuộc loại khó tính nhất.
Không giống như các loại chó khác, chó Mông đuôi cộc nếu khách muốn vào nhà mà không có chủ ra đón thì đố vào được. Mà có vào được nhà rồi, cầm ra cái gì mà không được chủ lên tiếng thì cũng đố cầm ra được. Hàng xóm, láng giềng thân quen là vậy, ấy thế mà không có chủ nhà là giống chó này quay ra “cư xử” như người lạ ngay.
Hôm lên Hà Giang, ở chỗ tôi nghỉ đã có 1 toán người tận trong “Quận nhất” – Quận 1, chốn Sài thành tìm lên Cao nguyên đá để “ém quân” tìm mua loại chó này. Việt Bắc, một người mê nuôi chó trong đám cho biết: Kể cả tiền đáp máy bay ra Hà Nội rồi thuê xe lên đây để tìm được 1 con chó Mông đuôi cộc như ý, ước chừng mất 30 triệu/người cũng bằng lòng.
Mùa này, không chỉ ở Cao nguyên đá Đồng Văn mà ngay tại thị xã Hà Giang, để đáp ứng cho “niềm vui” và “thú chơi” này đã có cả chục tay thương lái có máu mặt sẵn sàng đưa đến chỗ “ém chó” để giới thiệu sản phẩm. Hơn cả thế nữa, nếu khách hàng vào loại khó tính, nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của loài khuyển này sẽ được cánh lái và môi giới gọi xe, đưa thẳng lên Cao nguyên đá, vào tận các thôn bản xa xăm để lùng mua, cứ hệt như người ta đi lùng tìm hoa khôi cho 1 cuộc thi nào đó vậy.
H. “bảo tàng”, M. “mốc”, H. “Hàn Quốc”… là một trong những gã môi giới các loại chó đang thuộc dạng nổi ở vùng phên dậu này. Khách lên, nghỉ ở các khách sạn thuộc chốn lưu thân cho kẻ có tiền như: Huy Hoàn, Cao Nguyên Đá, Hà An… chỉ cần phì phèo điếu thuốc, đi mấy nhịp thang máy ra cổng mà ngoắc 1 tay xe ôm hay một chiếc tắc – xi nào đó rồi nói chuyện chó là 15 phút sau sẽ được cánh lái đưa đến gặp khổ chủ ngay. Nhanh còn hơn cả đưa người đến… bệnh viện cấp cứu. Rồi được mục sở thị, rồi được tung hứng, rồi đặt tiền, rồi nhâng nên hạ xuống. Buôn chó Mông cộc đuôi hiện đang trở thành “công nghệ” và giúp rất nhiều khổ chủ kiếm bộn tiền ở cái đất Cực bắc này.
Ngoài hình dạng, thì việc xem răng, xem lưỡi để chó có “đạt tầm” hay không cũng là việc không thể bỏ qua.
M. trước làm nghề vận tải đường thủy. Làm nghề này cũng giầu, nhưng do máu cờ bạc nên khánh kiệt. Cùng đường, hắn “rút quân” gồm 2 đứa con và một cô vợ đẹp như minh tinh màn ảnh, “thửa” được do ngày hắn còn bộn tiền bạc lên Hà Giang. Quắt quay mưu sinh, hết xe ôm lại bán thịt chó, tình cờ hắn phát hiện ra loại chó quý hiếm này.
“Liên kết” với thằng bạn ở Hà Nội, hắn không ngờ rất nhiều người đang kết loại chó này mà chưa có điều kiện và “đường dây” để làm ăn. Một hướng làm ăn đã lóe sáng, hắn vào cuộc.
Vứt cái quán thịt chó đang gọi là làm ăn được, hắn tung tẩy lên Cao nguyên đá. Nửa tháng kiếm tìm, chọn lọc, hắn đánh liều “ôm” 5 cậu “đuôi cụt” về Hà Nội “nhập khẩu”. Chuyến đi này trừ mọi chi phí, hắn đã có trong tay cả chục triệu đồng.
Là người buôn vào cuộc sớm nhất, nên chả mấy chốc gã đã vứt cái cuộc sống rách của mình sang 1 bên. Giờ, ngoài cặp kính đen sang trọng, cái đầu húi cua hết sức đàn anh thì hắn còn sắm cho vợ con cả cái nhà to đùng nơi gần trung tâm thị xã.
Hôm tôi lên Hà Giang, gặp H. “bảo tàng” ở quán cà phê Phố Đá nổi tiếng của tỉnh. H. “bảo tàng” cho biết từ đầu năm đến nay hắn đã kiếm được gần “đôi trăm củ” (đôi trăm triệu) cho cái nghề này. Cứ nhìn hắn là biết, ăn mặc, rồi điện thoại, rồi máy tính xách tay để lướt “guyết” mà buôn bán cái loại 4 chân này, trông cứ hệt như một trợ lý của quan tham vậy.
Trong câu chuyện, H. “bảo tàng” cứ suýt xoa về chuyện bị mất một con đuôi cộc lông vằn, đẹp như hoa hậu xứ
H. “bảo tàng” bảo, lộc đi rồi lộc đến. Tuy bị người ta “bốc” mất lộc nhưng trong tháng này, nếu thuận, hắn sẽ kiếm được hơn như thế vài lần. Chỉ chục ngày nữa thôi, hắn sẽ đón 1 “phái đoàn” dưới Hà Nội lên đây săn và chọn chó. Toàn bọn làm và vẽ dự án nên lắm tiền lắm. Bọn này yêu cầu H. “bảo tàng” đưa lên tận vùng cao kiếm lấy một con về nuôi cho nó cho nó đủ “phẩm cấp” và để trông nhà.
Chọn chó cho cánh này hết sức công phu vì bọn chúng đã là người khá tường tận và khá hiểu biết về loại chó này. Để chiểu theo yêu cầu của khách, H. “bảo tàng” đã săn và đặt tiền 5 ổ chó trên trên mấy xã của Đồng Văn. Tổng cộng 5 ổ, 16 con chó, sẽ đặt tiền mua hết, nhưng theo cách chọn quái chiêu và cổ điển này thì chỉ có 5 con được dời Cao nguyên đá, xuống nơi Hà Nội “nhập khẩu”.
H. “bảo tàng” kể về quá trình chọn chó quái chiêu và… hơi dã man này cho khách có tiền và khó tính. Trước khi chó đẻ, H. “bảo tàng” đã phải tăm tia trước, phải đặt cọc từ lúc nó mới ra đời không sợ thằng khác “bứng” mất. Sau khi đẻ xong, H. “bảo tàng” sẽ phải đầu tư tiền để làm chuồng riêng cho chó.
Khi chó đã bắt đầu nuôi được, H. “bảo tàng” sẽ gọi khổ chủ lên. Tiền của ai, có đến đâu, kết ổ nào sẽ nhận. Sau đó, chờ đến khuya, H. “bảo tàng” sẽ cùng khách hàng “hỏa thiêu” chuồng chó. Con nào được mẹ nó công ra trước thì sẽ là con khôn nhất, khổ chủ cứ thế mà ôm về. Còn các con khác, cháy bỏng, khổ chủ có cứu được hay không thì thây kệ.
Từ chuyện “kết”, thích và cái mốt “hợp gu”, “hợp thời” này mà Hà Giang đã có rất nhiều tay buôn giầu lên từ chó. Chó Mông cộc đuôi ở Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đang bị săn lùng ráo riết.
Hôm ngồi chiếc xe khách hạng bình dân xuôi về Hà Nội, tôi mất ngủ vì bên cạnh là một gia đình đưa người thân đi cấp cứu. Vì nghèo, không có tiền nên họ phải chuyển bệnh nhân bằng xe khách cho rẻ.
Tôi lại nhớ đến 3 vị khách đã chia tay ở nhà H., họ hả hê nói cười, xăng xái bê những “cún con” mà mình đã mua được theo ý ra chiếc xe tắc – xi đã thuê dưới Hà Nội cả chục ngày rồi lên tiếng quát anh lái bật thêm số điều hòa cho mát mấy con chó.
Nghe anh lái xe bảo, cả công đi, cả công chờ họ đã trả anh trên 15 triệu, ấy là chưa kể đến vài chục triệu để dùng mua chó.