Chuyện về những căn hầm tránh bom lịch sử ở Thủ đô

Thảo Huyền

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức của không ít người Hà Nội vẫn vẹn nguyên khí thế hào hùng của Thủ đô những năm tháng “đánh giặc trên mâm pháo”, đập tan hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Nhiều dấu tích lịch sử xưa nay đã nhường chỗ cho các công trình hiện đại để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh. Nhưng cũng vẫn còn đó những dấu tích đặc biệt ngay ở trung tâm thành phố mà không phải ai cũng biết tới. 

Xuống hầm trú ẩn cá nhân trên phố khi có báo động.

Những căn hầm tránh bom đặc biệt

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Hà Nội, trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Thủ đô đã đào 40 vạn hố cá nhân và 9 vạn căn hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn an toàn cho 90 vạn người. Tất cả các phố trong nội thành Hà Nội đều có hố cá nhân tránh bom. Hố được đào thẳng xuống vỉa hè đủ để cho một người trú ẩn. Cứ 20 mét lại có một hố cá nhân như thế nằm so le ở hai bên vỉa hè. Trong cuốn sách, Bí thư Thành ủy Hà Nội giai đoạn 1968 - 1974 Nguyễn Văn Trân cho biết: Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, yêu cầu đặt ra của Thành phố là mỗi người bám trụ lại Hà Nội phải có 3 hầm trú ẩn tại nhà, ở cơ quan và trên đường phố...

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo - con trai cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung kể lại, những căn hầm cá nhân trên đường phố Thủ đô năm đó được sản xuất hàng loạt từ Xí nghiệp Xi măng Vĩnh Tuy. Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần trách nhiệm rất cao, các cán bộ, công nhân ở đây đã biến hàng núi xỉ than thành những hầm cá nhân đúc sẵn, phía trên có nắp bằng cui rơm chống mảnh bom rất hữu hiệu. Nhiều nơi như ở tập thể Nguyễn Công Trứ, quanh Bờ Hồ, gần Nhà hát Lớn... còn có hầm chữ A tránh bom tập thể. Hà Nội có một căn hầm tránh bom khá đặc biệt xây nửa nổi trên mặt đất từng được đặt ở trung tâm Vườn hoa Chí Linh, nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ (một dạo gọi là Vườn hoa Indian Gandi). Căn hầm tránh bom này khá rộng có lối thông ra khu nhà bát giác. Ngày nay, trên căn hầm đó cây xanh và các công trình đã mọc lên...

Những căn hầm trú ẩn năm nào hiện hầu hết đã bị lấp, tuy nhiên không nhiều người biết rằng ngay tại trung tâm thành phố, ở phố Trần Quốc Toản, dưới nền Trụ sở Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, căn hầm chỉ huy của Thành ủy Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh phá hoại vẫn được bảo tồn một cách trân trọng. Những chiếc ca tráng men, những chiếc điện thoại quay số vẫn được lưu giữ nguyên vẹn như một chứng tích về Hà Nội anh hùng, kiên cường, bất khuất.

Cách đây 7 năm (2012), nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã mở cửa căn hầm chỉ huy tác chiến nằm bên dưới tòa nhà Cục Tác chiến trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long cho du khách tham quan. Căn hầm được xây dựng vào những ngày đầu đế quốc Mỹ gây ra chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất cuối năm 1964, do Trung đoàn 259 Cục công binh thiết kế và thi công.

Trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, khi máy bay B-52 điên cuồng ném bom rải thảm hòng hủy diệt Hà Nội, hầm chỉ huy tác chiến đã đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng. Riêng trong sáng 19-12-1972, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã trực tiếp điều hành cuộc họp trong hầm cùng với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng quyết định cho trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội.

Bà Katherine Muller Marin, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đã chia sẻ với báo giới rằng, khi tham quan căn hầm bà như thấy lại một thời kỳ lịch sử, tái hiện thời kỳ đấu tranh anh dũng và chiến thắng của quân đội, nhân dân Việt Nam. Căn hầm hiện được bảo tồn nguyên vẹn theo đúng định hướng của UNESCO về bảo tồn di sản.

Người dân phố Hàng Đào tát nước khỏi hầm trú ẩn năm 1972.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, có những căn hầm đã biến mất, có căn hầm trở thành địa chỉ tham quan du lịch, và cũng có căn trở thành nhà ở. Đó là căn hầm nằm trong Khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Căn hầm tránh bom này nằm giáp với đường Trần Cao Vân và dãy nhà C và B1, từng được dùng làm nơi trú ẩn cho cư dân khu tập thể mỗi khi máy bay Mỹ đánh phá. Hiện nay căn hầm trở thành điểm sinh hoạt của câu lạc bộ phường và nơi cư trú của 4 hộ dân. Những hộ dân này (gồm gia đình bà Thoa, bà Lai, bà Dâu, bà Liêm) đã cải tạo hầm thành những căn phòng nhỏ để làm nơi sinh sống. Cuộc sống vẫn sinh sôi ở nơi trước kia từng là pháo đài vững chãi trước bom đạn kẻ thù.

“Căn hầm 5 sao”

Tháng 8-2011, khi khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội tiến hành nâng cấp Bamboo Bar thì tình cờ phát hiện một căn hầm bí mật. Sau khi khoan một lỗ rộng 1m2 gần khu vực bể bơi thì lộ ra căn hầm rộng chừng 40m2.

Thời điểm ấy phóng viên Hànộimới Ngày nay may mắn là một trong những người đầu tiên được xuống tham quan căn hầm. Tổng Giám đốc Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội khi đó là ông Kai Speth đã thốt lên: “Chúng tôi chưa từng thấy có một khách sạn nào khác ở Việt Nam hay nước ngoài có được một hầm trú ẩn cho khách và nhân viên đáng giá như thế này”.

Khi đó, để xuống được căn hầm trú ẩn, chúng tôi phải chui qua một lỗ hình vuông rộng bằng miệng cống, lội nước với ủng cao su, được tận mắt thấy một chai rượu cũ, chiếc bóng đèn cùng những nét viết vẽ trên tường. Sau này, khi thăm lại căn hầm, nhà ngoại giao người Australia Bob Devereaux đã xúc động khẳng định đó chính là bút tích của mình năm xưa.

Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội cũng đã tìm được nhiều nhân chứng sống từng biết đến căn hầm bí ẩn này. Đặc biệt nhất là Jane Fonda - nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Mỹ đã sang Việt Nam trong mùa hè 1972 để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do đế quốc Mỹ gây ra tại Việt Nam. Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội khi đó mang tên Thống Nhất là nơi bà chọn lưu trú.

Trong những ngày ở Hà Nội, giữa bom đạn ác liệt, Jane Fonda đã tới thăm trận địa pháo cao xạ, đội lên đầu chiếc mũ sắt, ngồi lên mâm pháo... và hát vang những bài hát ngợi ca hòa bình, tố cáo tội ác chiến tranh. Rồi đúng vào thời khắc nữ diễn viên chuẩn bị lên ô tô ra sân bay, còi báo động rúc lên, bà cùng nhiều khách quốc tế được đưa xuống căn hầm bê tông cốt thép ngay dưới lòng khách sạn để tránh một đợt bom Mỹ điên cuồng trút xuống Thủ đô Hà Nội.

Đây cũng là khách sạn được phóng viên nhiều tờ báo quốc tế như: Akahata (Đảng Cộng sản Nhật Bản), báo L’Humanite (Đảng Cộng sản Pháp)... lựa chọn lưu trú để phản ánh tinh thần bất khuất, anh hùng của quân dân Thủ đô trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại. Cũng ít người biết, tạp chí Life danh tiếng xuất bản ngày 7-4-1967 đã đăng ảnh hệ thống hố cá nhân sâu 1,5m ngay trên vỉa hè phía ngoài khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, nay là quán cà phê La Terrasse ở phố Lê Phụng Hiểu. Tuy nhiên những hố cá nhân này không thông với căn hầm trú ẩn nằm trong khuôn viên khách sạn.

Ngày nay, lối lên xuống căn hầm trú ẩn lịch sử kể trên đã được xây dựng khá khang trang. Khách sạn cũng mở tour khám phá và tìm hiểu về lịch sử của căn hầm với tần suất 2 chuyến/ngày vào lúc 17h và 18h, nhưng chỉ dành cho khách thuê phòng và các nhà nghiên cứu...