Nhiều nghiên cứu đã đánh giá rằng trẻ ăn chay có xu hướng thu nhận nhiều dưỡng chất thiết yếu hơn so với những bé ăn chế độ bình thường. Đặc biệt trong đó là các vitamin như thiamin (B1), vitamin C, E và folate.
Và ăn chay cũng có rất nhiều chế độ khác nhau. Tùy vào việc bạn chọn theo cách nào mà thực đơn ăn chay sẽ thay đổi linh động. Dưới đây là một vài gợi ý món ăn phù hợp với trẻ, cùng với cách thực hiện mà bạn có thể lựa chọn cho con dùng hằng ngày.
1. Trứng bác (Scrambled egg)
Nếu theo “trường phái” ăn chay có sữa và trứng, bạn vẫn có thể thoải mái với món ăn này. Riêng với những gia đình thuần chay, có thể thay trứng gà bằng đậu hũ xay nhuyễn.
Món trứng bác cũng khá phổ biến trên mâm cơm của các gia đình Việt. Hơn nữa, nó lại là món ăn dễ thực hiện và thời gian làm khá nhanh chóng. Với lợi điểm là phần trứng mềm nên trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, vô cùng ưa thích.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Trứng gà: 2 quả
- Cà chua: 1 quả lớn
- Hành lá
- Gia vị các loại
Cách thực hiện
Cà chua rửa sạch, khứa nhẹ bên ngoài vỏ quả thành 4 hoặc 6 múi rồi trụng nước sôi cho dễ bóc vỏ. Bổ cà chua ra làm đôi, sau đó bỏ hột và cắt hạt lựu, rồi ướp với một chút muối, đường, hạt nêm.
Trứng đập ra bát rồi đánh cho lòng đỏ và lòng trắng quyện vào nhau.
Tiếp theo cho dầu ăn vào chảo, xào cà chua thật mềm rồi cho trứng vào đảo đều tay, nêm nếm vừa ăn. Lưu ý là phải xào đến khi trứng và cà chua khô và tơi ra thì thêm hành lá vào.
Món ăn này sẽ rất ngon nếu dùng chung với cháo hoặc cơm trắng. Mẹo để món ăn ngon hơn là bạn nên bỏ hết ruột cà chua để trứng được khô và không có vị chua quá.
2. Bánh yến mạch nướng giòn
Món ăn thơm ngon này là một lựa chọn không thể tốt hơn để bắt đầu bữa sáng. Bạn có thể thêm nó vào thực đơn ăn chay của bé hằng ngày.
Yến mạch được xem là một trong những loại ngũ cốc tốt nhất trên trái đất. Bởi lẽ nó là nguồn dồi dào vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ. Hơn nữa, nó lại là thực phẩm không chứa gluten, điều này rất có ý nghĩa với trường hợp trẻ bị dị ứng lúa mì.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Bột yến mạch: 150g
- Muối: chỉ khoảng ¼ thìa cà phê hoặc ít hơn
- Bơ thực vật: 15g
- Nước ấm: 80ml
- Một ít bột mì để cán bánh
Cách thực hiện
Yến mạch trộn với bơ và muối trong một chiếc bát lớn. Bạn có thể dùng tay để nhào trộn cho đều hơn. Thêm nước vào yến mạch rồi trộn, sau đó để yên khoảng 5 phút.
Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ khoảng 180°C, tiếp đến phết bơ lên khay bánh nướng. Lấy bột mì rắc lên mặt phẳng để khi lăn bánh sẽ không bị dính. Cán bột yến mạch thành miếng dẹt với độ dày khoảng 3mm. Dùng miệng cốc hoặc khuôn cắt bánh quy cắt bột thành những miếng bánh tròn có đường kính tầm 7,5 cm rồi xếp đều lên khay.
Nướng bánh trong khoảng 15 phút, sau đó trở mặt bánh rồi nướng tiếp khoảng 5 phút nữa là được.
3. Salad cá ngừ chay
Nghe tên như vậy thôi nhưng món salad này lại hoàn toàn không có cá ngừ. Nó chỉ đơn thuần có hương vị tương tự như vậy. Món ăn này do được dùng kèm với nhiều loại rau củ khác nhau nên vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Mẹ nên cân nhắc cho món ăn này vào thực đơn ăn chay của cả nhà.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Đậu Hà Lan đã được hấp chín: khoảng 1 bát
- Cần tây, hành tây xắt nhỏ: 1/2 bát
- Mù tạt Dịjon: một thìa súp
- Gia vị các loại
- Mayonnaise chay: 2 thìa súp
Cách thực hiện
Trộn tất cả thành phần trên với nhau trong một chiếc bát lớn ngoại trừ sốt mayonnaise với đậu Hà Lan nghiền mịn.
Cho thêm sốt mayonnaise cho tới khi món salad đạt độ ẩm như bạn muốn.
Bạn có thể cho trẻ dùng món ăn này bằng cách phết lên rau diếp hoặc sandwich tùy theo sở thích của trẻ.
4. Thực đơn ăn chay bữa xế: Bánh rau củ chiên giòn thơm ngon lạ miệng
Mang hơi hướng ẩm thực Nhật Bản, món ăn này chắc chắn sẽ làm hài lòng “chiếc bụng đói” của trẻ vào những bữa xế.
Ngoài ra, điều thú vị là món ăn này cũng là một cách khéo léo để “giấu” rau củ hoàn hảo với những trẻ ăn mặn chỉ ưa thịt cá. Nó đảm bảo dinh dưỡng nhưng lại không gây ngán và đặc biệt là bạn có thể thực hiện trong những ngày bận rộn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cà rốt: 1 củ
- Khoai môn: 1 củ
- Khoai tây: 2 củ
- Khoai lang: 2 củ
- Bột chiên giòn
- Trứng gà
- Hành lá xắt nhỏ
- Gia vị các loại
Cách thực hiện
Với các loại củ, bạn đem rửa sạch sau đó gọt vỏ rồi bào thành sợi.
Tiếp đến là thực hiện bước pha bột. Đổ hết bột chiên giòn ra một tô sạch, cho thêm trứng gà, hành lá, nêm nếm gia vị và đổ nước vào theo như chỉ dẫn trên bao bì. Kế đến trộn đều các thành phần và cho bột nghỉ khoảng 10 phút.
Trộn đều các loại củ với nhau rồi múc một ít nhúng vào bột chiên. Tuy nhiên lưu ý không nên cho quá nhiều bột nếu không phần vỏ bánh sẽ bị dày và ăn rất mau ngán. Bánh đem chiên ngập dầu, thấy vàng thì vớt ra. Món ăn này khi ăn chấm cùng tương ớt rất ngon.
5. Rau củ xào chay đơn giản mà chống ngấy
Tiếp nối thực đơn ăn chay là món rau củ xào thập cẩm. Món ăn này với lợi điểm là không quá cầu kỳ phức tạp, cộng thêm thời gian thực hiện rất nhanh để bạn có thể thết đãi cả nhà bất cứ lúc nào.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cà rốt
- Nấm đông cô hoặc nấm hương
- Ngô non
- Đậu Hà Lan
- Hành lá, hành củ
- Bột canh, đường, dầu ăn
Cách thực hiện
Ngô non đem rửa sạch, chẻ dọc đôi hoặc cắt làm ba phần. Cà rốt cũng rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt miếng vừa ăn.
Quả đậu Hà Lan rửa sạch, bỏ đầu và tước bỏ xơ. Riêng nấm đông cô ngâm với nước ấm, cắt bỏ gốc, cắt miếng mỏng xéo. Hành lá cũng cắt xéo tương tự nấm đông cô.
Sau khi sơ chế, bạn cho dầu ăn vào chảo, chờ cho nóng thì bỏ hành củ đập giập, thái nhỏ vào phi cho thơm rồi mới cho cà rốt vào xào, kế đến lại thêm ngô non đảo đều tay.
Khi cà rốt và ngô non đã chín sơ thì bạn tiếp tục cho nấm và đậu vào chảo, nêm gia vị sao cho vừa ăn. Có thể thêm một ít nước để rau củ nhanh chín hơn. Hành lá sẽ là nguyên liệu thêm vào sau cùng.
6. Đổi vị với món cơm chiên Nhật Bản cho bữa tối
Cơm chiên cũng là món ăn quá dỗi quen thuộc với người Việt. Tuy nhiên, nếu thấy ngán, bạn có thể thử thưởng thức món cơm chiên mang những nét đặc trưng từ một đất nước khác.
Với sự hòa quyện của các thành phần nguyên liệu, món ăn này sẽ mang lại cảm giác rất lạ miệng và làm cho trẻ cảm thấy phấn khích khi ngồi vào bàn ăn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Gạo lứt
- Nước tinh khiết
- Hạnh nhân
- Giấm
- Nước tương
- Cà rốt
- Bông cải xanh
- Đậu phụ
- Dầu thực vật và gia vị các loại
Cách thực hiện
Rán đậu phụ trong chảo và gắp ra đĩa riêng. Lặp lại điều này tương tự với cà rốt và bông cải xanh. Sau đó lại cho cả đậu phụ, cà rốt và bông cải lại chảo để xào chung.
Về phần gạo lứt, bạn đem nấu riêng, sau khi đã chín thì cho vào trong chảo cùng các thành phần trước đó, thêm giấm và nước tương vào rồi trộn đều.
Sau khi xong, bạn múc ra bát và có thể trang trí món ăn với một ít hạt hạnh nhân.
Các thành phần nguyên liệu trên bạn có thể tự gia giảm tùy theo khẩu vị của trẻ.