Lớp học online trên biên giới

Huy Hoàng

Đều đặn các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, học sinh lớp 4A2, Trường Tiểu học Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai tham gia lớp học trực tuyến do cô giáo chủ nhiệm Trương Thị Hậu phụ trách. Lớp học được ra đời và duy trì với sự hỗ trợ của Trung sĩ Phùng Minh Quyết, học viên Học viện Biên phòng đang tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Bát Xát, BĐBP Lào Cai.

n5jh_10a

Trung sĩ Phùng Minh Quyết hướng dẫn Dũng và Khải học tiếng Anh với video bài giảng trên mạng internet. Ảnh: Lương Minh

Vừa chống dịch, vừa ôn bài cho “con nuôi Biên phòng”

Trò chuyện với tôi, Thiếu tá Hoàng Thế Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bát Xát, BĐBP Lào Cai cho hay, Phùng Minh Quyết, Mộc Văn Trinh và Nguyễn Lương Minh là 3 học viên năm cuối Học viện Biên phòng được tăng cường cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Các học viên rất nhiệt tình và có ý thức trách nhiệm trong công việc. Ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ, các đồng chí thường hướng dẫn 2 cháu Thào Đức Dũng và Tẩn Minh Khải (con nuôi của đơn vị) học theo các bài giảng online, làm các bài tập cô giáo chủ nhiệm giao, ôn luyện tiếng Anh và làm thêm các bài tập trên mạng internet.

Biên giới những ngày cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 “căng” như dây đàn. Phần lớn thời gian cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Xát phải ở các chốt ngay đường biên giới. Tiết trời biên cương mùa này không chiều lòng người, mưa gió dầm dề, hơi sương lạnh buốt. Cái rét nàng Bân khiến cho cái lạnh càng thêm tái tê. Không phải nơi nào cũng có điện, nước, sóng điện thoại di động, điều kiện công tác của họ những ngày này càng thêm khó khăn. 

Nhiệm vụ canh gác, tuần tra, kiểm soát biên giới 24/24 giờ rất nặng nề, nhưng Quyết và các đồng đội với nhiệt huyết của tuổi trẻ vẫn tranh thủ thời gian nghỉ ngắn giữa các ca trực để duy trì việc ôn bài cho 2 cậu con nuôi của đơn vị dựa trên nền tảng các ứng dụng học trực tuyến. Quyết thiết lập nhóm trên Zalo để trao đổi nội dung học với các đồng đội của mình. Trong đó, Quyết là người phụ trách nhóm, cùng với Trinh tìm các bài tập, video bài giảng trực tuyến phù hợp gửi về cho Minh để hướng dẫn, kèm 2 cháu Dũng và Khải làm các bài tập được giao.  

Quyết chia sẻ: “Hình ảnh đầu tiên tôi gặp ở Đồn Biên phòng Bát Xát là 2 cậu con nuôi dễ thương của đơn vị. Cả hai đều đang học lớp 5. Buổi tối, 2 em thường học theo các bài giảng trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, có những đoạn giáo viên giảng nhanh, các em không theo kịp, không hiểu. Ngay lúc đó, tôi đã muốn làm một điều gì đó để giúp các em học tập hiệu quả hơn và ý tưởng mở lớp học online nảy sinh từ đây”.

Theo Quyết, học trên truyền hình là giải pháp thích hợp giúp học sinh không bị gián đoạn việc học trong thời gian không được đến trường vì dịch Covid-19 nhưng cũng có nhược điểm là không có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. “Không khí lớp học vì thế sẽ trầm. Học sinh chỉ tiếp thu một chiều. Những nội dung không hiểu, học sinh không thể hỏi lại giáo viên. Vì thế, tôi đã tìm và gửi đường link các video bài giảng các môn học cho các em từ buổi sáng. Các em sẽ có cả ngày để nghiên cứu, nghe bài giảng và làm bài tập. Chỗ nào chưa hiểu, các em sẽ ghi lại. Sau đó, chúng tôi sẽ hướng dẫn, giải thích lại cho các em” – Quyết cho biết.

Xây dựng mô hình lớp học online

Từ việc hướng dẫn 2 con nuôi của đơn vị học, Quyết nghĩ tới việc mở lớp học online cho các học sinh khác ở địa bàn. Quyết nhờ chỉ huy đơn vị liên hệ, kết nối với cô giáo Hậu để thực hiện ý tưởng của mình. Ban đầu, Quyết và cô Hậu lập một nhóm trên Zalo cùng với các học sinh lớp 4A2. 

Quyết kể: “Thường ngày, vào 7 giờ sáng, tôi gửi nội dung học trực tuyến, bài tập cho cô giáo thẩm định, lựa chọn rồi gửi cho các em làm. Nhờ đó, các bậc phụ huynh có thời gian cho con mình ghi chép bài học. Buổi tối, cô giáo sẽ kiểm tra, giảng giải những phần học sinh chưa hiểu”. Theo chia sẻ của Quyết, cô Hậu là người rất tâm huyết và yêu nghề. Cô đã tới từng gia đình vận động phụ huynh chuẩn bị điện thoại thông minh, máy tính cho con, thiết kế bài tập, thường xuyên động viên, khuyến khích học sinh học bài.

rzix_10b

Hình ảnh các học sinh lớp 4A2 học online. Ảnh: Lương Hậu

Sau khi thử nghiệm tương tác trên ứng dụng Zalo thành công, cô Hậu đã thực hiện giảng dạy online cho các học trò của mình trên nền tảng phần mềm học trực tuyến. Quyết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ lớp học về nội dung bài giảng cũng như xử lý các vấn đề kỹ thuật. “Quyết là thành viên rất tích cực và nhiệt tình. Bạn ấy thường xuyên gửi câu hỏi, bài tập và chia sẻ các video clip bài giảng, trò chơi tìm hiểu kiến thức cho học sinh trong lớp. Học sinh cảm thấy rất thoải mái với hình thức học tập này” - Cô Hậu kể.
Đến nay, lớp học online đã đi vào nền nềp, nhưng điều khiến Quyết và cô Hậu trăn trở nhất là đường truyền internet không tốt ảnh hưởng đến chất lượng bài học. Nhiều gia đình không có thiết bị để hỗ trợ con học trực tuyến. “Lớp tôi có một số học sinh sống ở các khu vực “lõm”, sóng internet rất chập chờn. Hơn nữa, không phải phụ huynh nào cũng có điện thoại thông minh và đăng dịch vụ internet để cho con em học. Vì thế, hiện chỉ có 20/29 học sinh của lớp tham gia học trực tuyến được” – Cô Hậu giãi bày. 

Thế nhưng, đây đã là thành công đối với địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn như xã Bản Vược. Hiệu quả học online của lớp 4A2 đã tiếp thêm động lực để Quyết đề xuất với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Vược mở rộng mô hình học online cho các lớp học khác trong trường.

Chàng lính trẻ có ý chí phấn đấu

Tìm hiểu, tôi được biết, Quyết là học viên lớp 21A, Đại đội 21, Tiểu đoàn 2, Học viện Biên phòng. Quyết tâm sự: “Được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh là niềm mơ ước của em từ khi còn rất nhỏ”. Vì vậy, Quyết đã xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu để hiện thực hóa ước mơ. Ở cấp học trung học phổ thông, Quyết là học sinh giỏi toàn diện, hai năm liền đoạt giải Ba học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh. Thành tích học tập của Quyết tại Học viện Biên phòng luôn xấp xỉ điểm giỏi. Năm 2018, Quyết tham gia đội thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức chính trị - xã hội đoạt giải Nhất cấp học viện và giải Nhì toàn quân.

Quyết chia sẻ: “Trước khi lên Đồn Biên phòng Bát Xát, tôi đã từng đi dã ngoại tại xã biên giới Chiềng Khương, huyện Lóng Sập, tỉnh Sơn La. Nhờ xác định tốt tư tưởng nên tôi không bị “ngợp” trước khối lượng công việc lớn cũng như điều kiện công tác khó khăn, vất vả tại đây. Lần trải nghiệm thực tế này, tôi có thêm nhiều kinh nghiệm và sự tự tin thực hiện nhiệm vụ ở các môi trường khác nhau”.