Những con số đó cho thấy quy mô của nền kinh tế vé số ở Việt Nam lớn tới mức nào. Thực tế đó phát đi những tín hiệu gì? Vai trò của nền kinh tế vé số ở Việt Nam ra sao? Và kinh tế học cho ta biết gì về cuộc chơi xổ số? Giống như mọi thứ khác, tờ vé số cũng có hai mặt.
Ở một bên, đó là nguồn thu ngân sách dồi dào, thậm chí là chủ lực ở nhiều địa phương, là sự huy động nguồn lực cho các dự án phúc lợi công cộng và cả là tấm lưới an sinh xã hội cuối cùng cho một lực lượng lao động đông đảo.
Nhưng ở mặt bên kia, đó là sự tái phân bổ thu nhập thuần túy không phải lúc nào cũng theo hướng công bằng hơn, sự độc quyền nhà nước và cả những méo mó có thể xuất hiện khi xổ số được tư nhân hóa.
Mục tiêu xổ số ở các nước đều có lịch sử giống nhau là khi cần huy động nguồn tài chính sức dân. Rất nhiều nước bắt đầu phát hành xổ số là để tái thiết sau chiến tranh.
Việt Nam cũng vậy, xổ số kiến thiết chính thức ra đời năm 1962 ở miền Bắc. Thời đó, giải thưởng xổ số thường là hiện vật như xe máy, xe đạp…, chứ không phải bằng tiền như hiện nay.
Hoạt động kinh doanh xổ số chính thức 60 năm qua đều nêu cao sứ mệnh kiến thiết đất nước. Mỗi địa phương có một công ty xổ số kiến thiết và 100% vốn nhà nước nắm.
Theo quy định, tiền thu các sắc thuế và các khoản thu khác từ hoạt động kinh doanh xổ số sẽ được để lại toàn bộ cho địa phương đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục…
Khoản thu từ hoạt động kinh doanh xổ số đã tăng đều trong những năm qua. Báo cáo ngân sách nhà nước (NSNN) 5 năm trở lại đây cho thấy mỗi năm tổng số thu từ hoạt động kinh doanh xổ số là trên 24.000 tỉ đồng.
Như năm 2019, con số này ước tính là 29.000 tỉ đồng, và năm nay dự toán được Quốc hội phê duyệt là 31.700 tỉ đồng. Nhìn vào cơ cấu thu ngân sách, so với các nguồn thu khác, như dự toán thu từ dầu thô năm 2020 là 34.000 tỉ đồng, thì khoản đóng góp từ hoạt động kinh doanh xổ số là không hề nhỏ.
Mỗi năm, xổ số mang lại số thu gần bằng việc khai thác rồi bán 12-13 triệu tấn dầu thô. Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý là trong khi khai thác dầu thô là nguồn thu từ tài nguyên - tức tạo ra nguồn lực thì hoạt động xổ số có tính chất là sự chuyển giao nguồn lực nhiều hơn, trong trường hợp này là từ những người mua xổ số vào tay Nhà nước.
Một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau…, doanh thu từ hoạt động kinh doanh xổ số nhiều năm nay lớn hơn cả tổng thu ngân sách địa phương, còn số thu đóng góp NSNN từ kinh doanh xổ số chiếm đến 30% tổng thu ngân sách.
Đơn cử như Bạc Liêu, tổng thu ngân sách năm 2019 đạt khoảng 3.183 tỉ đồng, trong đó thu từ hoạt động kinh doanh xổ số đóng góp 1.346 tỉ đồng trên tổng doanh thu xổ số 4.465,8 tỉ đồng, tức là còn lớn hơn thu ngân sách tỉnh.
Ông Lê Văn Khanh, chủ tịch Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng, cho biết năm 2019, công ty ông nộp thuế 1.122 tỉ đồng, chiếm gần 1/3 tổng thu ngân sách của tỉnh này. Và chuyện tổng thu ngân sách của cả một tỉnh còn nhỏ hơn tổng doanh thu của công ty xổ số có lẽ đáng lo nhiều hơn là đáng mừng.
Đây cũng là một nghịch lý ở các tỉnh miền Tây - nơi có nhiều tỉnh được xếp loại nghèo và vẫn còn nhận trợ cấp trung ương, đồng thời cũng là "thủ phủ vé số" của cả nước, khi nhiều tỉnh đều phải trông cậy rất nhiều nguồn thu ngân sách vào hoạt động xổ số.
Ông Trần Văn An, giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang, cho biết năm 2019, tỉ lệ vé số phát hành so với bán ra bình quân gần 99%, đạt trên 104% kế hoạch năm. Việc có nguồn thu khủng từ vé số cũng kéo theo một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh tế tại các tỉnh miền Tây.
Chưa có đánh giá chính thức, nhưng một lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho rằng thời kỳ trước những năm 2000, ngân sách tỉnh phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ hoạt động xổ số và trợ cấp của trung ương.
Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, theo định hướng của Chính phủ, tỉnh đã nỗ lực nhiều để thoát cảnh phụ thuộc nguồn thu xổ số. Nguồn thu xổ số cũng được điều hướng nhằm tạo ra thêm giá trị, chủ yếu chi cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, phúc lợi xã hội, hỗ trợ thiên tai..., theo đúng quy định của Nhà nước.
Ông Trần Văn Chuyện, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết đối với một tỉnh nông nghiệp, thương mại - dịch vụ chưa phát triển thì đóng góp vào ngân sách của hoạt động xổ số cho địa phương rất đáng ghi nhận.
Nhờ có nguồn thu từ xổ số, đầu tư vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục tại địa phương dễ dàng hơn. "Không chỉ là doanh nghiệp nộp thuế dẫn đầu tỉnh, Công ty Xổ số kiến thiết Sóc Trăng còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động", ông cho biết.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017-2019 mà một số công ty xổ số vừa công bố cho thấy sự tăng trưởng mạnh của các công ty xổ số phía Nam.
Ví dụ, dự kiến trong giai đoạn 4 năm 2017-2020, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai sẽ tăng doanh thu gần 23%, từ hơn 3.300 tỉ đồng lên hơn 4.000 tỉ đồng.
Ở TP.HCM, doanh thu của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TP.HCM năm 2019 là trên 8.800 tỉ đồng, số nộp ngân sách khoảng 3.600 tỉ đồng/năm.
Theo đại diện Bộ Tài chính, với 21 công ty, doanh thu và số nộp ngân sách của hoạt động xổ số ở khu vực phía Nam tăng đều các năm và chiếm từ 70-90% tổng doanh thu xổ số cả nước, đứng đầu là ở TP.HCM. Đáng chú ý, 38% doanh thu của xổ số điện toán Vietlott cũng là tại địa bàn TP.HCM.
Với doanh thu 3.892 tỉ đồng (2019) nhưng chỉ có lợi nhuận trước thuế hơn 191 tỉ đồng và nộp ngân sách 1.022 tỉ đồng, theo báo cáo kết quả kinh doanh của công ty này, Vietlott coi như chỉ thuần túy là hoạt động phân bổ lại nguồn lực: từ tay những người mua Vietlott vào ngân sách và chủ sở hữu công ty.
Trao đổi với TTCT, ông Nguyễn Thanh Đạm, chuyên gia về xổ số, cho hay thị trường miền Nam là hình mẫu kinh doanh xổ số kiến thiết ở góc độ đáp ứng thị hiếu khách hàng và vận động theo cơ chế thị trường cũng như sự năng động, đổi mới của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Với cơ chế phát hành thị trường chung như 21 tỉnh phía Nam thì các tỉnh nhỏ, lân cận tỉnh, thành phố lớn có thể tranh thủ cơ hội để hút nguồn thu. Vé số truyền thống do công ty xổ số kiến thiết tỉnh phát hành cũng được bán ở TP.HCM, thị trường quan trọng nhất với rất nhiều công ty xổ số địa phương, đôi khi chiếm tới 60- 70% tổng doanh thu.
Nhìn vào doanh thu và đóng góp ngân sách của các công ty xổ số kiến thiết, có thể thấy sự khác biệt rất rõ giữa các đơn vị phía Nam và phía Bắc.
Cụ thể, theo báo cáo đánh giá kế hoạch sản xuất kinh doanh vừa được Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hải Phòng công bố, tổng doanh thu 3 năm 2017-2019 chỉ là xấp xỉ 75 tỉ đồng mỗi năm, nộp ngân sách chỉ 19 tỉ đồng.
Một đối thủ cạnh tranh lớn với các công ty xổ số miền Bắc là các hoạt động "xổ số tư nhân" bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, nhưng vẫn hoạt động gần như công khai: lô đề. Công ty TNHH MTV Xổ số Ninh Bình cho rằng kinh doanh xổ số rất khó cạnh tranh với lô đề, và giờ là cả các hoạt động "ngành gần" phát triển cũng với sự phổ biến của công nghệ: cá cược bóng đá và cờ bạc trực tuyến.
"Ở đây có cả nền kinh tế vé số", anh bạn người Hà Nội lần đầu ghé thăm chúng tôi ở thành phố Tân An, long An, buông lời trong một quán cà phê sát vỉa hè. Tiếp viên quán chưa kịp đưa nước uống ra, anh đã kịp từ chối 5 lượt mời vé số.
Đó hoàn toàn không phải là một lời nhận xét đùa, chẳng qua anh đã quá quen với những lời mời vé số mỗi khi dừng lại ở Tân An.Cảm giác như ở Long An, hầu hết những người đi bộ trên đường thường là người bán vé số.
Và những người bán vé số đạp xe, chạy xe gắn máy còn len lỏi khắp các ngả đường từ đô thị đến miền quê, trên các bến phà, các tuyến xe buýt công cộng... Không một ngày nào, không một tuyến đường nào mà bạn không gặp người bán vé số.
Cảnh bán vé số ở Long An cũng là cảnh chung ở khắp miền Tây. Tờ vé số đã trở nên quen thuộc với xứ này đến mức trở thành "món quà tinh thần" của rất nhiều người. Bất kể giàu nghèo, dù làm nghề gì, nếu bạn có là người xứ khác đến sống ở miền Tây một thời gian thì khả năng cao là trong người bạn đang có ít nhất một tờ vé số.
"Văn hóa vé số" mà anh Bảo nhắc đến là có thật. Ở quán cà phê trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, dân bán vé số hễ thấy cái bàn tròn "câu lạc bộ 2 tỉ đồng" của ông Nguyễn Anh Tuấn là lại khấp khởi mừng. "Có mười anh em, toàn công chức nhà nước.
Cuối tuần là lại kéo ra đây ngồi tụ họp ăn sáng, cà phê. Cứ một người mua 10 tờ, chia đều. Nếu trúng thì mỗi người được 2 tỉ nên gọi vui là câu lạc bộ 2 tỉ. Lâu dần dân vé số gọi theo", ông Tuấn cười giải thích. Câu lạc bộ của ông Tuấn nổi tiếng trong giới vé số đến mức, lâu lâu nhóm muốn đổi quán ăn sáng, cà phê cho có không khí mới, tức thời mấy mối quen cũng sẽ tới... túc trực.
Với người bán vé số, kiếm được càng nhiều mối quen thì càng "ấm". Thông thường, một tờ vé số bán ra, người bán sẽ được 1.200 đồng nếu trả trước cho đại lý vé số khi lấy vé. Còn nếu "ký gửi", lấy vé trước và bán hết ngày tới trả sau thì chỉ được 1.000 đồng, có nơi chỉ được 800 đồng. Bán được một cây (nguyên lốc) 100 tờ vé số, kiếm được 120.000 đồng.
Việc bán được một cây vé số ở miền Tây nhiều khi rất dễ. Càng dễ hơn khi có mối quen là "đại gia". Cái máu công tử Bạc Liêu thuở nào vẫn còn chảy trong tính cách người miền Tây, việc để ra vài triệu đồng, mua vài cây vé số chia đều cho anh em trên bàn tiệc, bàn cà phê là chuyện quá quen thuộc với xứ này.
Thế nên có nhiều người bán vé số, mỗi sáng ra lấy 5 cây (400 - 500 vé), xong chỉ việc đến bàn có mối quen đang ngồi ăn sáng cà phê để... phụ luôn quán việc bưng bê. Một buổi chỉ cần một người trong bàn có "cảm hứng vé số" thì việc bán được 5 cây, bỏ túi 400-500 ngàn là chuyện thường.
Tín ngưỡng đa thần và đa văn hóa vẫn còn sâu đậm ở vùng đất mới này, nên mỗi con số cũng được giới chơi vé số gắn liền với một con vật, một cảm xúc, một việc hiếu hỉ hay xui rủi... Nên dân vé số không chỉ tập trung mời khách ở hàng quán, mà còn len lỏi đến tất cả các đám cưới, đám ma, đám tiệc khắp miền Tây.
Nhiều công ty như công ty xây dựng của ông Lý Văn Tường, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, cứ đến tết còn lì xì cho mỗi công nhân một vài tờ vé số kèm tiền thưởng, xem như "truyền thống" của công ty.
Một số công sở nhiều năm qua cũng duy trì việc lãnh đạo tổ chức lì xì trong ngày họp mặt doanh nghiệp, đơn vị đầu năm, ngoài một số tiền nhỏ còn kèm mấy tờ xổ số của tỉnh nhà, thay cho một lời chúc năm mới may mắn, "tấn tài tấn lộc", âu cũng là một cử chỉ dễ thương.
Nhiều khách đến thăm nhà nhau những dịp lễ, tết, đám tiệc..., ra về cả túi áo túi quần chật cứng vé số gia chủ tặng cũng là hình ảnh quen thuộc ở miền Tây.
Trong đợt dịch COVID-19, khi có chủ trương của Nhà nước về việc hỗ trợ người lao động thu nhập thấp, người hành nghề tự do..., lực lượng bán vé số dạo mới "hiện hình" rõ ràng qua những con số thống kê.
Ông Trần Văn Dương, 62 tuổi, ngụ phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, tâm sự nghề bán vé số dạo trở thành cách kiếm sống duy nhất của ông đã 5 năm nay, từ ngày ông bị tai nạn phải cắt cụt chân trái, vợ con bỏ nhà đi nơi khác kiếm sống.
Còn bà Trần Thúy Loan, 68 tuổi, ngụ huyện Gò Quao, Kiên Giang, bị suy thận mãn phải chạy thận lọc máu định kỳ tại bệnh viện. Cách đây 2 năm, toàn bộ tài sản trong nhà đều bán hết, chỉ còn lại 4 công đất ruộng bà không dám bán mà để lại cho con.
Để có tiền trị bệnh kéo dài cuộc sống, bà Loan chọn cách ngồi xe lăn bán vé số dạo quanh chợ 30-4, gần Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Không đi được nhiều, nhưng loanh quanh cũng bán vé số kiếm được trên dưới 200.000 đồng mỗi ngày, đủ giúp bà tích cóp mỗi tuần sinh sống, chi trả khoản bảo hiểm y tế để chạy thận.
Nghề vé số còn là một lựa chọn dễ dàng vì vốn ít, không đòi hỏi gì, gần như có thể bắt đầu từ tay trắng. Anh Trần Văn Hiệp, 47 tuổi, quê huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, tâm sự chỉ cần 1-2 triệu đồng là đủ lãnh 100- 200tờvésốđibán.
Anhvàvợđều làm nghề bán vé số dạo, thuê nhà trọ trên đường Lâm Quang Ky ở thành phố Rạch Giá. Nếu chịu khó, ngày kiếm được vài trăm ngàn, cả nhà vừa đủ sống và nuôi được người con trai đang học cao đẳng nghề.
"Ban đầu chỉ tính ráng bán vé số nuôi nó năm đầu, nhưng thấy nghề này khỏe hơn việc đi kiếm nơi làm thuê, làm mướn vừa bấp bênh vừa cực, nên bàn với vợ cùng bám vô việc bán vé số kiếm sống luôn", anh Hiệp cười.
Muôn cảnh bán, nên cũng lắm chuyện vui buồn. Nếu bạn không quen sống ở miền Tây, vào ngồi một quán nước vỉa hè và lôi laptop ra làm việc thì hẳn khó lòng tập trung với những xấp vé số chìa đến trước mặt liên tục.
Nhiều lúc bạn đã mệt hay chán, không muốn trả lời luôn, vì đã phải từ chối quá nhiều người. Muốn dành tất cả thời gian lãng mạn cùng người yêu trong công viên hay ghế đá bờ sông ư?
Lực lượng vé số đông đảo sẽ không để bạn yên. Đang nắm tay người yêu, nhìn ra bờ sông đầy thi vị mà bị hỏi giật "còn 2 tờ 59 nè" không còn là chuyện chỉ để cười ở miền tây.
Từ lâu, nghề bán vé số đã trở thành tấm lưới phúc lợi xã hội cuối cùng cho những người gần như không còn lối thoát để ít ra tìm được một sinh kế, dù nhọc nhằn và bấp bênh.
Hơn 40 năm lăn lộn muôn nẻo đường, bà Võ Thị Hai (ngụ số 612/45H đường Mạc Đĩnh Chi, khóm 6, phường 9, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) là một trong những người có thâm niên bán vé số dạo lâu nhất ở Sóc Trăng.
Trong căn nhà chừng 25 mét vuông được xây tặng, bà Hai ngồi tự bóp đôi chân sau một ngày đi bộ bán vé số trở về, tâm sự: "Tui giờ đã ngoài 70 rồi, xương khớp đau nhức suốt, nhưng ngày nào cũng phải lội bộ bán vé số mới có tiền sống".
* Thưa, ngày nào bà cũng phải đi bộ? Đi bộ bán được nhiều hơn hay sao, thưa bà?
- Không phải đi bộ bán được nhiều hơn mà đó giờ khổ quá, có biết đạp xe đâu, nên mấy chục năm nay cứ phải đi bộ. Giờ ngày nào cũng đi chừng năm cây số. Thấy xương khớp nhức quá thì kiếm chỗ nghỉ rồi lại đi tiếp.
Già rồi, ngày chỉ dám lấy chừng trăm tờ vé số để bán. Lấy rồi thì phải ráng bán cho bằng hết. Mỗi tờ được 1.200 đồng, bán cho hết để kiếm 120.000 mà sống.
Được cái bán lâu rồi, cũng được nhiều mối quen nên chừng trăm tờ vé số thì ngày nào cũng bán được hết. Vì mình không có tiền, nên ôm vé số luôn để lấy được hoa hồng 1.200 đồng mỗi tờ.
Chứ mình mà lấy bán kiểu còn dư bao nhiêu trả lại đại lý thì chỉ được 1.000 đồng mỗi tờ. Vừa uổng tiền hoa hồng mà đằng nào mình cũng biết mình chỉ còn sức bán được khoảng trăm tờ thôi nên không lấy thêm.
* Dạ hồi đó xem ra bán cũng có tiền, nhưng cuộc sống của bà vẫn còn khổ tới giờ?
- Đúng là tui không có phước phần được như người ta. Chuyện nhà nói ra hơi kỳ, nói không phải để than vãn gì, nhưng tui lận đận lắm. Hồi đó sinh ra rồi ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, Sóc Trăng - PV), học hành không mấy mà đi làm thuê làm mướn sớm, đến năm 18 tuổi đã lấy chồng.
Chồng lúc ấy tham gia cách mạng nên cũng ít khi về nhà. Được hai năm, lúc tui vừa sinh đứa con trai đầu được mấy tháng thì nghe tin chồng hi sinh. Tui thờ bằng liệt sĩ của chồng, làm mướn nuôi con.
Chục năm sau, duyên đến với ông chồng sau, người Đồng Tháp, cũng trong những lần ngược xuôi xe đò bán vé số. Được thêm với ông ấy ba đứa con. Lúc này, cũng vì con cái đông mà tui không nhảy xe đò bán vé số nữa, chỉ đi loanh quanh bán vé số đặng còn lui tới trông nhà.
Sinh đứa con thứ ba với người chồng sau được nửa năm thì ông ấy bệnh nặng qua đời. 3 trai 1 gái, cả thảy 4 đứa con đều trông chờ vào xấp vé số.
* Nhưng con cái bà giờ cũng đã lớn hết rồi?
- Ừ thì tụi nó lớn hết rồi, nhưng cái lận đận của mình truyền cho tụi nó. Cha mẹ khổ thì con khổ theo, không đủ sức cho tụi nó học hành nhiều nên đời tụi nó cũng khổ. Giờ đứa nào cũng có gia đình nhưng cũng lắm cảnh khổ. Như thằng trai út, lấy vợ sinh con được nửa năm thì vợ nó bỏ đi. Giờ thằng cháu cũng tui nuôi.
Tội nghiệp thằng nhỏ, mới sinh ra đã có bệnh, giờ 3 tuổi mà vẫn chậm nói, chậm đi. Tui đi bán vé số bây giờ cũng là lo cho nó. Ngày nào cũng chuẩn bị đồ ăn từ sáng, nhờ bà con lối xóm coi chừng nó giúp rồi đi bán. Đến trưa về cho nó ăn rồi lại tranh thủ lội đi bán luôn cho hết vé.
* Ngoài chuyện sức khỏe, hồi xưa đi bán khác nhiều bây giờ không, thưa bà?
- Gần 40 năm phải khác chứ, hồi đó không nhiều đài xổ số, cũng không đông người bán như bây giờ. Hồi đó chỉ những người không làm gì được không kiếm được việc mới đi bán vé số. Đó cũng là cách mà người ta nhìn người đi bán vé số trước đây.
Lắm người khó chịu, mình chưa kịp mở miệng mời mua là đã xua đuổi như đuổi tà, thậm chí còn mắng mỏ. Có điều tui nghĩ, mình kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức, chịu khó đi bán chớ có phải ăn xin người ta đâu mà ngại. Nói chung thời nào thì người bán vé số cũng phải gặp cảnh người mua từ chối, la mắng (cười).
Nay thì khác, ai cũng đi bán vé số, từ trẻ em đến người khỏe mạnh, người tàn tật gì cũng đi bán. Vì người càng khỏe thì đi bán càng được nhiều, thu nhập càng cao. Nghề bán vé số đông lên thì cũng sinh ra lắm kiểu bán.
Có nhiều người còn lợi dụng cảnh khổ, tạo lòng thương hại để bán được vé số. Riết người mua dần mất thiện cảm, việc bị từ chối kiểu thẳng thừng, bị xua đuổi ngày càng nhiều hơn trước.
* Câu hỏi này cũng tế nhị, nhưng con cũng xin hỏi thật là bà bán vé số theo kiểu nào trong "lắm kiểu" mà bà nói?
- Thì tui nói với cậu đó, tui có khá nhiều mối quen. Những người đó thương nên mua ủng hộ thì đúng. Nhưng chắc không phải thương cảnh đời tui đâu. Vì tui cũng ít kể ai chuyện đời, cậu đến thăm nhà vầy tui mới kể. Tui nghĩ bán vé số cũng là một nghề, cũng cần sự văn minh lịch thiệp.
Khi khách đang nói chuyện điện thoại, đang ăn thì nhất định không mời mua vé số. Bán được tờ nào, cũng luôn cám ơn khách. Khách không mua cũng cám ơn luôn. Lời cám ơn thường đem lại vui vẻ thôi mà, mắc gì mình không mở miệng nói một tiếng cám ơn cho vui.
Tui cũng không chèo kéo ai bao giờ, với tui đó là điều tối kỵ. Vì tui nghĩ người ta đã không mua rồi mà còn năn nỉ thì đã làm phiền người ta rồi, lần sau gặp lại họ ác cảm thì càng không được ủng hộ.
*Thưa, 70 tuổi rồi, có bao giờ bà nghĩ tới việc "nghỉ hưu"? Hình như căn nhà này cũng được người ta xây tặng?
- Đúng rồi, căn nhà này được chính quyền với bên công ty xổ số kiến thiết trao tặng hai năm nay. Trước đó, tui với con rồi đến cháu sống trong căn nhà lá bữa nóng bức bữa dột mưa. Không có căn nhà này thì chắc mình chết già trong căn nhà lá đó luôn.
Được cái ở đây bà con xóm giềng cũng thương, địa phương cũng quan tâm. Bữa mùa dịch (COVID-19) còn được tặng 900.000 đồng. Đó giờ lần đầu mới nhận được số tiền cho lớn như vậy, nếu không tính cái nhà. Còn tết thì đại lý hay cho ít gạo, dầu ăn vậy thôi.
Còn chuyện nghỉ hưu thì không dám nghĩ đến, cái số mình lận đận mà, chỉ mong còn kiếm được tiền chứ mong gì đến chuyện được nghỉ ngơi. Giờ yếu quá rồi, nhiều khi còn sợ không biết mình lỡ nằm xuống thì ai lo cho thằng cháu nội này.
Mà thôi, nghĩ lại thêm lo, mình cứ ráng được chừng nào hay chừng đó cậu à. Cũng may là có cái nghề bán vé số này trên đời, chứ cậu thử nghĩ nếu không đi bán vé số, cái thân già này làm được gì để kiếm tiền?
Những tấm vé số truyền thống 10.000 đồng ngày nay đã có một chặng lịch sử dài hơn 40 năm, không chỉ bắt đầu từ ý nghĩa kiến thiết đất nước mà còn đổi phận cho bao nhiêu mảnh đời.
Sau 3 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM cùng cả nước bước vào giai đoạn phát triển kinh tế, tái thiết đất nước, đều cần sự huy động nguồn lực lớn từ dân chúng, mà xổ số kiến thiết (XSKT) là một giải pháp.
Tháng 10-1978, TP.HCM chính thức thành lập Ban XSKT TP.HCM trực thuộc Sở Tài chính. Ban hoạt động theo chế độ hạch toán độc lập, có nhiệm vụ tổ chức, phát hành vé số, mở thưởng, trả thưởng theo quyết định của UBND TP.HCM.
Sau TP.HCM, một số tỉnh khu vực miền Nam cũng bắt đầu có hoạt động xổ số. Đến năm 1979 đã có 6 tỉnh thành tham gia, và đến cuối năm 1981 là 17 tỉnh, thành phố.
Bước ngoặt phát triển của xổ số TP.HCM là năm 1989, khi Ban XSKT chính thức đổi tên thành Công ty XSKT TP.HCM, với nhiều điều kiện hoạt động hơn.
Trong hơn 42 năm hoạt động, từ nguồn thu xổ số, hàng trăm công trình y tế, giáo dục, phúc lợi công cộng đã được xây dựng, góp phần an sinh xã hội, phát triển kinh tế của TP.HCM.
Xổ số cũng là sự huy động nguồn lực đóng góp vào nhiều công trình lớn có ý nghĩa lâu dài, khó huy động nguồn lực tư nhân như thủy điện Trị An, tuyến đường Cần Giờ...
Chia sẻ với TTCT, bà Phan Thị Sang, phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT TP.HCM, cho biết quá trình phát triển của hoạt động phát hành xổ số đã trải qua nhiều bước ngoặt chính sách và cả nhận thức của người dân.
Những năm đầu phát hành, vé số được tiêu thụ rất chậm, một phần người dân vừa bước ra từ chiến tranh, vật lộn với cuộc sống cơm áo, không dư dả nghĩ đến việc mua vé số.
Vé số không biết từ bao giờ trở thành một phần cuộc sống của người Sài Gòn. Với nhiều người, họ không nói "mua vé số", mà là "chơi vé số". Theo bà Sang, người Sài Gòn xem mua vé số cũng giống như cầu may và có cả yếu tố giải trí. Họ mua mỗi ngày vài tờ và thích cảm giác chờ dò mỗi chiều như một thú vui.
Vé số cũng là chiếc phao bám víu của những người nghèo. Có những trường hợp đến công ty lĩnh giải khiến không ít nhân viên cảm động, rơi nước mắt. Đó là những lao động nghèo lên nhận giải mà không đủ tiền mua đôi dép, bàn chân chai sạn, những tấm vé số nhàu nát vì mồ hôi, bụi bẩn.
"Nhiều người cuộc đời trước đó chưa từng cầm 5 triệu trên tay giờ trúng cả 2 tỉ, họ bối rối, lúng túng không biết làm gì, chúng tôi đều tư vấn, dặn kỹ", bà Sang chia sẻ.
Hết năm 2019, Công ty XSKT TP.HCM công bố tổng doanh thu đạt hơn 9.700 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 1.300 tỉ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn 3.200 tỉ đồng, tăng 13,72% so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, kinh doanh vé số truyền thống vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo, 8.900 tỉ đồng, tương đương gần 92% tổng doanh thu.
Ông Đỗ Quang Vinh, tổng giám đốc công ty, cho biết cũng như nhiều ngành nghề khác, xổ số đứng trước áp lực phải đổi mới, nghiên cứuphát triển thêm các loại hình mới phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và thế giới, đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của người chơi.
Hiện hệ thống phát hành vé số của TP.HCM có khoảng 105 đại lý cấp 1, tức những nơi làm việc trực tiếp với lực lượng bán vé số dạo. Theo thống kê, TP.HCM có gần 18.000 người bán vé số dạo trước khi dịch xảy ra, và tổng số lao động trong lĩnh vực này ở TP.HCM có thể lên tới 30.000 người.
"Trong thời gian tạm dừng nghỉ phát hành xổ số theo quy định chống dịch vừa qua, Công ty XSKT TP.HCM thống kê ghi nhận khoảng 18.000 người bán vé số dạo có hộ khẩu thường trú ở TP.HCM để kịp thời có những hỗ trợ khác nhau cho họ", ông Vinh cho biết.
Hệ thống đại lý là mạch máu của ngành xổ số, nhưng hình thức phân phối dựa trên lực lượng bán dạo đông đảo cũng khiến cho đây là lĩnh vực rất đặc thù.
Chỉ cần lễ tết hay thay đổi thời tiết, những người đem từng tấm vé số đi từng đường phố, con hẻm, hàng quán này đều sẽ bị ảnh hưởng, có thể nghỉ bán, tác động lên khâu phân phối. "Dịch bệnh đang khiến người bán vé số dạo về quê khá nhiều, chúng tôi sẽ căn cứ khả năng nguồn lực và dự đoán tình hình thị trường để cân đối chỉ tiêu kinh doanh", ông Đỗ Quang Vinh nói.
Trong chuyến về Long An cách đây hơn tháng, doanh nhân Võ Quốc Thắng kể tôi nghe một chuyện vui: Trong buổi tất niên trước Tết Canh Tý 2020, anh khoe với lãnh đạo tỉnh Long An rằng Đồng Tâm năm nay dẫn đầu cả tỉnh về đóng thuế. Lãnh đạo bảo anh nói dóc. Thế là anh kéo cả lãnh đạo ngành thuế tỉnh nhà qua làm chứng. Kết cục là cả anh lẫn lãnh đạo ngành thuế đều ngỡ ngàng khi vị lãnh đạo tỉnh hỏi lại: "Vậy xổ số để đâu?!".
Anh Võ Quốc Thắng cho biết Đồng Tâm - doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Long An - đóng thuế khoảng 900 tỉ đồng/năm, trong khi ngành XSKT tỉnh là trên ngàn tỉ.
Anh Thắng kể: Tui dân làm ăn, chả bao giờ quan tâm chuyện mua vé số cầu may. Lần đầu tiên trong đời mua vé số là hôm ấy gặp một bà cụ quá tội nghiệp. Tuổi của bà lẽ ra phải được hưởng sự an nhàn, vậy mà phải lặn lội bán vé số nuôi mình và cả nuôi cháu.
Đầu tiên tui móc túi lấy vài trăm ngàn biếu cụ. Nhưng cụ từ chối, bảo mình không ăn xin. Thế là tui phải lấy vé số, song sau đó thì tặng lại cho mọi người. Từ đó, tui cũng hay mua, nhưng toàn mua của những người có hoàn cảnh đặc biệt và vé số thì tặng lại nhân viên, bạn bè.
Câu chuyện của anh Thắng cũng là một "nét văn hóa" chung ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sáng bạn bè tụ họp cà phê, một anh mua chục tờ phát mỗi người 1-2 tờ và hẹn "chiều trúng tối nhậu". Đi đám ma, thường ở miền Tây người ta cũng hay mua vé số cả xấp, "biết đâu ông bà phù hộ".
Văn hóa vé số đó, theo tôi biết, ít ra là đã có từ trước giải phóng ở miền Nam. Thời đó, để quảng bá vé số, người ta còn in cả apphich cổ động, có tấm vẽ hình một ông tặng vé số cho một bà, kèm là câu Kiều "tân thời": Trăm năm trong cõi người ta; biếu số kiến thiết mới là quý nhau!
Cũng thời đó, khi tôi còn nhỏ, cứ mở radio là hay nghe giọng hát thật tếu của quái kiệt Trần Văn Trạch trong nền nhạc rộn ràng: Trong giấc mộng vàng, triệu phú đến nơi, năm mười đồng thôi, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi. Kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta, ấy là thiên chức, của người Việt Nam. Mua số mau lên, xổ số gần đến. Mua số mau lên, xổ số... gần... đến.
"Năm mười đồng thôi" một tấm vé số là thời điểm năm 1952, khi quái kiệt Trần Văn Trạch sáng tác bài này. Còn đến năm 1975, mỗi vé là 50 đồng và giải thưởng độc đắc là 5 triệu đồng. Hồi đó, lương ba tôi là 50.000 đồng/tháng, đủ lo cho gia đình 8 người sống đầy đủ. Như vậy một giải độc đắc có thể sống khỏe khoảng 10 năm
Sẽ rất bất thường nếu một chính quyền tuyên bố giảm thuế cho các tập đoàn lớn nhất, rồi bù đắp phần thiếu hụt ngân sách bằng cách tăng thuế thu nhập của những người thường xuyên mua vé số. Theo Thornhill, xổ số là một kiểu phân bổ tài sản như thế, song người ta không nhận ra.
Một vấn đề khác, vé số thường được phát hành với danh nghĩa có tiền cho các công trình công cộng, đầu tư cho giáo dục, nhưng sự thật có thể sẽ khác.
Trong bài viết "Xổ số là một thứ thuế không hiệu quả, lũy thoái và bóc lột" trên trang chuyên về trực quan hóa dữ liệu Metrocosm, tác giả Max Galka lý giải một chương trình vé số được công bố là lấy tiền cho giáo dục thực sự sẽ làm giảm đầu tư cho giáo dục. N
guyên nhân là khi đã có nguồn thu từ xổ số, số tiền thuế lẽ ra dành cho giáo dục sẽ được chuyển sang mục đích khác.
Vé số là nguồn hi vọng mà ai cũng có thể mua được bằng tiền. Cứ xét trường hợp Việt Nam, mỗi lần mua hi vọng chỉ tốn 10.000 đồng, cũng không đáng gì.
Theo một nghiên cứu công bố năm 2008 của Đại học Carnegie Mellon, người nghèo thường mua vé số vì họ chỉ quan tâm đến tỉ lệ chi phí lợi ích của mỗi tờ vé số riêng lẻ, thay vì nghĩ đến tổng số tiền bỏ ra để chơi vé số trong một năm hoặc cả đời.
Các nhà nghiên cứu chia những người tham gia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất được phát 1 USD mỗi người và được hỏi họ có muốn dùng nó để mua vé số không; nhóm thứ 2 nhận 5 USD và được hỏi họ muốn mua bao nhiêu vé số với số tiền đó; nhóm cuối nhận 5 USD và có thể dùng hết để mua vé số, hoặc không mua tờ nào.
Kết quả là số người ở nhóm thứ hai mua vé số chỉ bằng 1⁄2 số người ở nhóm 1, còn 87% người ở nhóm 3 chẳng mua tờ nào. Kết quả này tương thích với hiện tượng "hiệu ứng đậu phộng" - người ta thường không xét đến hệ quả của những thứ có số lượng nhỏ, để rồi lãnh lấy chi phí cao hay lỡ mất các cơ hội tốt.
Trong trường hợp này, số tiền mua 1 tờ vé số có thể chẳng là gì ở hiện tại, nhưng nếu cộng dồn về sau thì sẽ cực kỳ đáng kể.
Cụ thể, tệp dữ liệu 12 năm cho thấy "những nơi nghèo nhất là nơi sản sinh ra hầu hết các vé thắng giải", và người dân ở đó cũng là người mua vé số thường xuyên nhất.
Các số liệu (2015) cho thấy người Mỹ gốc Phi chi tiền cho xổ số gấp 5 lần so với người da trắng. Còn chuyện Powerball thì không khó giải thích: trong khi chờ đợi giữa 2 kỳ quay số, và vì xác suất thắng giải thấp đến không tưởng, người ta sẽ bỏ tiền vào những nơi có khả năng trúng liền.
Dễ đoán tâm lý người chơi xổ số là khi thua, họ luôn nghĩ mình cần phải chơi tiếp vì càng chơi nhiều thì khả năng thắng càng tăng. Với người thu nhập thấp, cái nghèo đóng vai trò quan trọng khiến họ cứ dấn sâu vào vòng xoáy chơi rồi trật, nghĩa là khiến họ rốt cuộc nghèo thêm. Vì sao thế?
Charles Karelis, triết gia và cựu hiệu trưởng Đại học Colgate, lấy hình tượng bị ong chích để lý giải vấn đề này. Một người với một vết ong chích sẽ muốn xức thuốc ngay, nhưng nếu bị chích nhiều lần thì lại không có động lực chữa cho một vết, vì những chỗ bị chích khác vẫn sẽ đau.
Người càng có nhiều thứ đau khổ hay không mong muốn - hay càng nghèo - thì lại càng không có xu hướng làm gì để giải quyết chúng. Nghèo không phải là vì thiếu của cải, mà là có quá nhiều vấn đề.
Khi ta đã quá tuyệt vọng và không thể trang trải nổi dù là các nhu cầu cơ bản nhất, mong cầu vào xác suất thắng cuộc, dù nhỏ nhoi, để thoát khỏi tình cảnh hiện tại dầu sao cũng tốt hơn là không làm gì.
Đó là với người thu nhập thấp. Còn với số người chơi xổ số còn lại, có nhiều yếu tố tâm lý khiến người ta thích mua vé số.
Wendy Walsh, chuyên gia hành vi con người, từng trả lời phỏng vấn CNN năm 2011, khi giải độc đắc Mega Millions ở Mỹ là 656 triệu USD, rằng con người thích được "giải cứu" kiểu thần tiên như bà tiên hiện ra để giúp Lọ lem, nghĩa là tin rằng thần may mắn đang chờ ở đâu đó để giúp họ đổi đời.
Xác suất trúng độc đắc là 1 trên 175,2 triệu, còn thấp hơn cả bị sét đánh (1 trên 3 triệu), song "người ta chả quan tâm, bởi họ yêu thích cảm giác hi vọng" - Walsh nói.
Trong khi đó, trong một bài viết trên Psychology Today, tiến sĩ Stephen Goldbart cho rằng nhiều người chơi vé số vì ai cũng mua, thì mình cũng thế. "Làm theo đám đông từ lâu đã được xác định là một động cơ tâm lý học hành vi.
Ta thích được giống đám đông, được là một phần của phong trào và không đứng ngoài cuộc" - Goldbart giải thích. Lý do thứ hai, theo Goldbart, là "vé số cho bạn tin vào ma thuật: rằng bạn có thể chi ra rất ít và nhận thật nhiều, rằng bạn sẽ thắng được mọi xác suất để là người thắng cuộc".