Những ngày tháng 6 oi ả càng nóng rực bởi không khí mùa thi. Thi vào lớp 6, thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Người đỗ mừng vui còn kẻ trượt đa phần đối diện với áp lực khủng khiếp. Không hẳn vì mục tiêu bản thân không đạt được mà vì "quả tạ" thất vọng, áp lực giáng lên vai từ các bậc sinh thành.
Ở kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội vừa qua, người ta hình ảnh không ít học sinh khóc ròng khi bước ra khỏi cửa phòng thi môn Toán, thậm chí cả phụ huynh cũng khóc theo. Các em bị gánh nặng tâm lý quá lớn, việc làm bài sai sót là thảm họa. Một nền giáo dục khiến cả gia đình, học sinh phải đổ mồ hôi và nước mắt.
Có câu nói: "Yêu thương thì không kỳ vọng, nỗi sợ hãi ngập tràn kỳ vọng", con thi trượt, nhiều khi cha mẹ không hẳn sợ con không có con đường khác mà sợ mình xấu mặt với bà con khối phố, với xóm giềng. Nếu yêu con, hãy yêu cả lúc con chiến thắng hay thất bại, cả khi con trưởng thành hay lầm lỡ.
Cuộc đời đâu chỉ những kỳ thi. Phải chăng, không ít phụ huynh yêu sĩ diện của mình hơn yêu con?
Người lớn thường tự tin mình đã va vấp, nhìn rõ thế giới rồi áp đặt điều họ cho là tốt nhất là con trẻ nhưng lại quên, trẻ cũng được quyền sai, được quyền thất bại. Cái việc thi cử vô hình trung đã trở thành tiêu chuẩn đo lường sĩ diện của người lớn từ bao giờ?
Một phần chính vì cha mẹ không muốn con sai, con thất bại và vì thể diện gia đình nên xã hội mới nảy sinh dối trá, gian lận đến vậy.
Chạy điểm, chạy trường âm ỷ trước, trong và sau mỗi mùa thi. Nhiều trường hợp con “siêu nhân”, “bất bại” vì bố mẹ đã bỏ tiền bạc, quan hệ ra mua “nguy cơ thất bại” và giấu tiệt nó. Sai lầm có thể phải trả giá bằng thời gian nhưng nó lại vô giá, có khi tiền cũng không mua được.
Trường học thích thành tích, và giờ phụ huynh cũng thích thành tích, ghét thất bại. Không ít phụ huynh bức xúc vì gian lận, tiêu cực… đua vào các trường chuyên, lớp chọn, đại học top nhưng cũng không ai khác, phụ huynh cũng là người trang bị sẵn sàng “đạn dược” để tham gia cuộc chiến tranh giành vị trí, suất học cho con.
Cuộc đua thành tích trong giáo dục bao giờ mới hết trầm kha khi phụ huynh lúc nào cũng mang tâm lý chiến thắng, bất bại và không chịu ngồi yên để con mình tự lực, để con mình được sai, được thua?