Thu nhập từ nền tảng mạng xã hội đóng thuế bao nhiêu phần trăm?

Thảo Huyền

Gần đây, thông tin về thu nhập khủng từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên nền tảng Youtube, Facebook, Google khiến nhiều người quan tâm. Vậy họ đóng thuế như thế nào theo quy định của pháp luật. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

Thực trạng việc đóng thuế đối với nguồn thu nhập từ Youtube, Facebook, Google

Tại Việt Nam, chúng ta có thể kể tên một vài cá nhân đóng thuế hàng chục tỷ đồng như:

- Cô gái 9X có thu nhập 330 tỉ nhờ sáng tác nhiều phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store kê khai và nộp 23,4 tỉ đồng tiền thuế. Hay một nam thanh niên thường trú tại Hà Nội cũng tự nguyện nộp 18,1 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân sau khi nhận thu nhập 260 tỉ đồng từ viết phần mềm

- Trong năm 2020, kênh youtube đứng đầu Top 10  nhà sáng tạo YouTube nổi bật nhất năm 2020 của Việt Nam thu về 3,35 - 53 tỉ đồng, số thuế dự tính phải nộp là khoảng 3,7 tỷ đồng

Tuy nhiên như Báo Thanh niên dẫn thông tin từ Tổng cục Thuế, dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp, riêng Hà Nội đã có 18.304 cá nhân, tổ chức đã nhận được số tiền từ Google, Facebook, YouTube là 1.462 tỉ đồng. Tuy nhiên Cục Thuế Hà Nội trong 3 năm (2017 - 2019) chỉ xác định được 1.100 cá nhân (Quá ít so với con số 18.304 cá nhận được tiền từ Google, Facebook, YouTube).

 

Truy thu nhiều tỷ đồng tiền thuế từ các “nhà sáng tạo” trên mạng xã hội

Hay, Bộ TTTT cho biết, Ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền; tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam. Có nghĩa cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5000 kênh trên tổng 15.000 kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc các cá nhân tự chủ động đóng thuế.

Như vậy, có thể thấy tổng số thuế mà các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, Youtube đã nộp đang thấp hơn rất nhiều so vơí tổng số thuế theo nghĩa vụ phải nộp.

Quy định về việc đóng thuế thu nhập từ Youtube, Facebook, Google tại Việt Nam

Nghĩa vụ kê khai thuế

Theo c Khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý thuế thì:

- Đối với các cá nhân ký hợp đồng với những công ty đối tác của Google, Facebook… tại Việt Nam sẽ không tự kê khai thuế như trước đây mà tổ chức sẽ kê khai và nộp thay.

- Đối với cá nhân trong nước nhận tiền trực tiếp từ Google, Facebook... thì cá nhân có nghĩa vụ tự khai thuế.

- Đối với doanh nghiệp có doanh thu từ Google, Facebook... thì khai thuế theo quy định về thuế TNDN.

Thuế suất thuế thu nhập từ Youtube, Facebook, Google

- Đối với doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp nhận được doanh thu từ các nền tảng thì phải kê khai và đóng thuế TNDN và thuế GTGT với mức thuế TNDN là 20% (Tổng doanh thu- chi phí) và 10% thuế GTGT theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 và Điều 8 Luật thuế GTGT 2008.

- Đối với cá nhân có thu nhập từ Youtube, Facebook, Google

Theo quy định tại Điều 1  và phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính:

+ Các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, Youtube… dưới 100 triệu/năm thì không phải nộp thuế TNCN, thuế GTGT.

+ Các cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế với mức thuế suất 5% thuế GTGT/doanh thu tính thuế và 2% thuế TNCN/Doanh thu tính thuế.

Trong đó doanh thu tính thuế là số tiền nhận trực tiếp từ Youtube hoặc số tiền nhận từ đối tác là các mạng đa kênh (đối tác của Youtube tại Việt Nam) mà không được trừ chi phí trước khi tính thuế do không phải là doanh nghiệp.

Theo Nghị định 126, ngân hàng sẽ khấu trừ thuế với các thu nhập nhận được từ Facebook, Google... nếu cá nhân không nộp. (Ảnh minh họa: KT)

Theo Nghị định 126, ngân hàng sẽ khấu trừ thuế với các thu nhập nhận được từ Facebook, Google... nếu cá nhân không nộp. (Ảnh minh họa: KT)

Chính sách thuế mới của Youtube đối với Youtuber bên ngoài nước Mỹ

Mới đây, Google có thông báo về việc tất cả những người sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên Youtube, bất kể đang sống ở đâu trên thế giới, đều cần phải cung cấp thông tin thuế. Mức đánh thuế từ thu nhập của các Youtuber sẽ dựa vào nhiều yếu tố. Đối với những Youtuber sống bên ngoài nước Mỹ, nếu khai báo thông tin thuế trước ngày 31/5/2021, họ sẽ phải chịu mức thuế 30% cho các doanh thu đến từ người xem tại Mỹ. Trong khi đó, nếu không nộp khai báo thuế, Youtuber sẽ bị đánh thuế 24% đối với doanh thu đến từ người xem ở mọi quốc gia.

Đại diện của Youtube giải thích rằng, Youtube phải điều chỉnh chính sách để phù hợp với quy định của Luật thuế tại Mỹ. Luật thuế của Mỹ có quy định Google bắt buộc phải khấu trừ thuế khi người sáng tạo nội dung không ở Mỹ, nhưng kiếm được thu nhập từ người xem tại Mỹ.

Với chính sách mới này, một câu hỏi được rất nhiều Youtuber tại Việt Nam quan tâm, liệu thu nhập của họ có bị ảnh hưởng? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ một số quy định.

Theo pháp luật Việt Nam, như đã đề cập ở trên, cá nhân sẽ bị đánh thuế 7% trên tổng doanh thu (nó đã bao gồm 5% thuế GTGT + 2 % thuế thu nhập cá nhân).

Theo quy định tại Mỹ, sắp tới, thì việc khấu trừ trực tiếp 30% thu nhập từ lượt xem tại Mỹ là chính sách thuế của nước này.

Vậy Khoản thu nhập đã bị đánh thuế tại Mỹ có bị đánh thuế lần 2 tại Việt Nam không?

Theo Khoản 3 Điều 1 của Hiệp định về chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì:

- Đối với Vệt Nam: người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Mỹ khi đã đóng thuế cho Mỹ thì về Việt Nam sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam.

- Đối với Mỹ: chỉ có nhà đầu tư, quỹ đầu tư Mỹ khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam và có thu nhập, khi đã đóng thuế ở Việt Nam rồi thì sẽ không đóng thuế cho nước Mỹ.

- Sẽ bị khấu trừ 30% thu nhập với lượt view tại Mỹ.Như vậy, khi chính sách trên được Google triển khai, các Youtuber Việt Nam sẽ phải đóng thuế như sau:

- Sau khi bị trừ thuế tại Mỹ, tất cả các khoản tiền thu nhập còn lại sẽ bị đánh thuế 7% theo quy định của pháp luật về thuế tại Việt Nam.

Như vậy có thể thấy rằng, thu nhập của Youtuber sẽ bị ảnh hưởng, bởi thay vì chỉ phải đóng 7% theo quy định của luật VN thì với nguồn thu nhập từ lượt xem tại Mỹ, doanh thu này bị khấu trừ tới 30%.

Chậm nộp, trốn thuế bị xử lý ra sao?

**Chậm đóng thuế:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 130/2016/TT-BTC, việc chậm đóng thuế sẽ được xử lý như sau:

- Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/7/2016 thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

- Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 01/7/2016 nhưng sau ngày 01/7/2016 vẫn chưa nộp thì tính như sau:

+ Trước ngày 01/01/2015 tính phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định tại Luật quản lý thuế 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế 2012, (số ngày chậm nộp < 90 ngày là 0.05%, từ ngày 91 trở đi là 0.07%/ngày)

+ Từ ngày 01/01/2015 tính tiền chậm nộp theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 2014, (0,05%/ngày.)

+Từ ngày 01/7/2016 tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày.

Cách tính tiên chậm nộp:

- Trước ngày 1/1/2015 mức phạt chậm nộp tiền thuế như sau:

+ Nếu số ngày chậm nộp < 90 ngày:

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp X 0.05% X Số ngày chậm nộp

+ Nếu số ngày chậm nộp > 90 ngày:

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp X 0.07% X (Tổng số ngày chậm nộp – 90)

- Từ ngày 1/1/2015 mức phạt chậm nộp tiền thuế như sau:

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp X 0.05% X Số ngày chậm nộp

- Từ ngày 1/7/2016 mức phạt chậm nộp tiền thuế như sau:

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp X 0.03% X Số ngày chậm nộp

** Trốn thuế

Trách nhiệm hành chính khi trốn thuế

Theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn, cụ thể tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 và Điểm d Khoản 1 Điều 138 Luật quản lý thuế 2019 thì số tiền phạt với hành vi trốn thuế là từ 1 – 3 lần số tiền thuế trốn đóng. Cụ thể mức phạt được quy định tại Điều 17 của Nghị định. Ngoài ra người trốn thuế buộc phải đóng đủ số tiền thuế theo quy định.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì với hành vi cố tình khai sai thu nhập với mục đích số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định. Và buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước

Trách nhiệm hình sự khi trốn thuế:

Theo quy định tại Điều 200 của BLHS 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017. Hành vi trốn thuế được chia thành 02 trường hợp:

- Với số tiền trốn thuế từ 100 - dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

- Nếu số tiền trốn thuế dưới 100 triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về các tội được quy định tại các điều 88, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311, chưa được xóa án tích thì cũng bị phạt tù tiền từ 100 – 500 triệu hoặc từ 03 tháng đến 1 năm.

Tùy vào mức độ vi phạm để xác định định khung tăng nặng, người thực hiện hành vi trốn thuế có thể nhận án phạt lên đến 07 năm tù.

Quy định về việc đóng thuế thu nhập từ Youtube tại một số nước

Tại Đức, Youtubers phải đóng các khoản thuế sau:

- Thuế TNCN (nếu thu nhập hơn 9000 EURO 1 năm).

- Thuế thương mại (trong trường hợp làm video trên Youtube với mục đích thương mại).

- Thuế GTGT (khoản này thường Google sẽ phải đóng dùm cho cá nhân).

Tại Ấn độ, kiếm tiền từ việc chạy Ads trên youtube sẽ bị đánh thuế. Bất kể số tiền từ Youtube nhỏ đến mức nào cũng cần phải báo cáo số tiền đó khi khai nộp Tờ khai Thuế thu nhập.

Trong đó có 1 số điểm lưu ý như:

- Nếu là cá nhân cư trú tại Ấn thì khoản này sẽ được khai dưới dạng thu nhập từ kinh doanh, nghề nghiệp hoặc các khoản thu nhập khác tùy vào việc cá nhân làm Youtube full time hay part time và khoản thu nhập kiếm được.

- Ngoài ra, cá nhân còn có thể kê khai dưới dạng là nguồn thu nhập khác ngoài thu nhập chính từ tiền lương, tiền công.

Tại Anh, Youtubers phải kê khai và đóng thuế TNCN nếu kiếm tiền từ Youtube trên £12,500 mỗi năm và phải khai thuế dưới hình thức là tự kinh doanh.

Kết luận: Youtubers phải kê khai thuế các khoản thu nhập từ Youtube và tùy vào từng quốc gia sẽ quyết định việc Youtubers có phải đóng thuế hay không và đóng dưới hình thức nào. Một số nước buộc cá nhân khi kiếm tiền trên youtube phải đăng ký số an ninh xã hội và như vậy sẽ kiểm soát được nguồn thu nhập từ Youtube (Hàn Quốc, Hà Lan..).

Huyền Ly