Kanka-Katsuryokujin qua mặt cơ quan chức năng, quảng cáo như thuốc kích dục?

Biên tập viên

Thời gian gần đây, bạn đọc liên tục phản ánh về sản phẩm Kanka-Katsuryokujin của Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ nhập khẩu và phân phối có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo.

Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ quảng cáo TPCN Kanka-Katsuryokujin như thuốc kích dục

Để xác minh thông tin, PV đã tìm hiểu và kiểm tra, sản phẩm Kanka-Katsuryokujin được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm số 3535/2018/ĐKSP ngày 15/06/2018 do Công ty PC System.Co.,Ltd, Shibakawa Factory có địa chỉ 367 Habuna, Fujinomiya City, Shizuoka prefecture, Nhật Bản sản xuất và được nhập khẩu, phân phối bởi Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ.

Sản phẩm Kanka-Katsuryokujin có “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” số 00740/2018/ATTP-XNQC do Cục An toàn thực phẩm cấp ngày 23/07/2018 chỉ là thực phẩm chức năng có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, hỗ trợ giảm mệt mỏi.

Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, trên trang web sinhlynam.kankanhatban.com sản phẩm Kanka-Katsuryokujin lại được quảng cáo vời nhiều công dụng như: "Thúc đẩy dương vật phát triển lần hai, nâng cao nồng độ ham muốn trong tinh hoàn, kéo dài thời gian quan hệ 30 phút, 1 tiếng, muốn lâu bao nhiêu thì lâu bấy nhiêu".

 

Những lời quảng cáo cho sản phẩm Kanka như một loại thuốc kích dục 

Bằng những từ ngữ trên, Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ đã tạo ra các công dụng như một loại “thần dược". Đối với hành vi vi phạm này chiếu theo khoản 1, điểm a khoản 2 điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã quy định rõ:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;

Ngoài ra, hành vi sử dụng hình ảnh, thư cảm ơn của bệnh nhân, Luật cũng quy định rõ trong Nghị định 158 của Chính phủ về xử lý vi phạm về quảng cáo, hành vi sử dụng thư tín, hình ảnh của nhân viên và cơ sở y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, quảng cáo gây hiểu lầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh... sẽ bị xử phạt 20-30 triệu đồng.

Ngoài ra, phía Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ còn có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo. Theo khoản 3, Điều 8 Luật Quảng cáo quy định về hành vì cấm trong hoạt động quảng cáo có quy định: “Cấm quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Kiếm tiền dựa trên niềm tin của khách hàng

Vào vai một người bệnh cần mua hàng, PV Chất lượng Việt Nam Online đã để lại SĐT trên trang web sinhlynam.kankanhatban.com, một thời gian ngắn sau có nhân viên tư vấn tự xưng là dược sĩ bên tập đoàn Kanka Nhật Bản gọi điện tư vấn về cách chữa yếu sinh lý và khẳng định sản phẩm Kanka là thuốc, thuốc bổ với những công dụng chữa yếu sinh lý, điều trị thận. Nhân viên này quảng cáo dòng thuốc trực tiếp sử dụng tại Nhật Bản có 5 loại nhân sâm với công dụng bổ thận, tốt cho những ai bị cao huyết áp, máu nhiễm mỡ, tiểu đường, phục hồi chức năng của lá lách, tốt cho não, tim mạch…

 Nhân viên tư vấn bên phía Kanka đã vẽ ra hàng loạt công dụng "thần thánh" của sản phẩm.

Nhân viên tư vấn bên phía Kanka đã vẽ ra một loạt công dụng giống như một loại “thuốc tiên” có thể chữa được bách bệnh trong khi sản phẩm Kanka-Katsuryokujin chỉ là một loại thực phẩm chức năng được Cục ATTP công bố với công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, hỗ trợ giảm mệt mỏi.

Đáng chú ý, việc Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ thực hiện hành vi quảng cáo những thông tin không nằm trong danh mục các nội dung đã đăng ký trong “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” vi phạm nghiêm trọng quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng. Khoản 3 điều 43 của Luật An toàn thực phẩm, quy định về quảng cáo thực phẩm như sau: “Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận”.

Tại khoản 4 điều 68 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ:

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc".

Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ còn sử dụng nhiều hình ảnh, lời nói của khách hàng làm tăng uy tín cho sản phẩm. 

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, trên trang web sinhlynam.kankanhatban.com, Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ còn sử dụng nhiều hình ảnh, lời nói của khách hàng làm tăng uy tín cho sản phẩm. Điều này vi phạm Thông tư 13/BYT về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc của Bộ Y tế.

Theo VietQ.vn